Những bức ảnh đầy ám ảnh và xúc động đoạt giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới 2022

(PLO)- Hiệp Hội Ảnh Báo chí Thế giới đã công bố những bức ảnh đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới 2022, là những bức ảnh đầy ám ảnh và xúc động ghi lại những thăng trầm của năm 2021 qua ống kính của các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới.

Theo tờ The Guardians, Hiệp Hội Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo Foundation) hôm 7-4 đã công bố những bức ảnh đoạt giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới 2022.

Giải khu vực (châu Phi), ảnh đơn: "Biểu tình Sudan" - Một người biểu tình ném trả lại lựu đạn cay do lực lượng an ninh bắn ra trong cuộc biểu tình ở Khartoum, Sudan, vào tháng 12-2021. Ảnh: Faiz Abubakr Mohamed (Sudan)

Đa phần trong số này là những bức ảnh đầy ám ảnh và xúc động ghi lại những thăng trầm của năm 2021 qua ống kính của những nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới.

Giải khu vực (châu Á), ảnh đơn: "Trẻ em Palestine ở Gaza" - Trẻ em Palestine cầm nến trong một cuộc biểu tình giữa đống đổ nát của những ngôi nhà bị các cuộc không kích của Israel phá hủy vào tháng 5-2021. Ảnh: Fatima Shbair (Palestine)

Và bức ảnh chụp lại cảnh những chiếc váy đỏ treo trên thánh giá dọc theo một con đường để tưởng nhớ những trẻ em đã chết trong quá khứ tại trường nội trú người da đỏ Kamloops (Canada) vào thế kỷ 19, khi có tới 215 ngôi mộ không được đánh dấu được phát hiện vào năm 2021, đã được trao giải Ảnh của năm.

Bức ảnh đoạt giải nhất World Press Photo 2022: Những chiếc váy đỏ treo trên thánh giá dọc theo một con đường để tưởng nhớ những trẻ em đã chết trong quá khứ tại trường nội trú người da đỏ Kamloops hồi thế kỷ 19 sau khi 215 ngôi mộ không được đánh dấu được phát hiện vào năm 2021. Ảnh: Amber Bracken (Canada)

Nhiếp ảnh gia tư liệu Amber Bracken, tại TP Edmonton (Canada) đã chụp bức ảnh này.

Giải khu vực (châu Á), ảnh dự án dài hạn: "Xung đột Người-Hổ" - Một con hổ đực trưởng thành băng qua đường trong khu bảo tồn hổ Tadoba Andhari ở Ấn Độ. Ảnh: Senthil Kumaran (Ấn Độ)

Những bức ảnh khác được nhận giải trong năm nay đa phần tiếp tục tập trung vào chủ đề nhấn mạnh đến các cộng đồng người bản địa trên thế giới.

Giải khu vực (Bắc-Trung Mỹ), ảnh đơn: "Giữa lúc tỉ lệ tử vong cao, phụ nữ da đen chuyển sang làm nữ hộ sinh" - Tỉ lệ tử vong của phụ nữ da đen ở Mỹ do các biến chứng sau sinh cao hơn đáng kể so với phụ nữ da trắng. Ảnh: Sarah Reingewirtz (Mỹ)

Nhiếp ảnh gia tư liệu người Úc Matthew Abbott đã được nhận giải Nhất thể loại Câu chuyện của năm với một loạt ảnh về cách người bản địa Nawarddeken ở vùng Arnhem Land đã sử dụng lửa như một công cụ quản lý đất đai nhằm chống biến đổi khí hậu như thế nào.

Giải câu chuyện của năm: "Cứu rừng bằng lửa" - Người Úc bản địa đốt đất một cách chiến lược theo một phương pháp được gọi là đốt nguội, như một công cụ để quản lý khu đất rộng 1,39 triệu ha của họ. Ảnh: Matthew Abbott (Úc)

Trong các thể loại khác, nhiếp ảnh gia người Brazil Lalo de Almeida đã nhận giải Dự án Dài hạn cho những bức ảnh nói về tác động của nạn phá rừng Amazon đối với các cộng đồng người bản địa.

Giải dự án dài hạn: "Amazonian Dystopia" - Rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil đang bị đe dọa nghiêm trọng trước nạn phá rừng, khai thác mỏ, phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: Lalo de Almeida (Brazil)

Nữ nhiếp ảnh gia Isadora Romero đã nhận giải Định dạng mở cho đoạn video kể về lịch sử gia đình cô ở Columbia.

Giải thưởng Định dạng mở: "Máu là hạt giống" - Thông qua những câu chuyện cá nhân, La Sangre Es Una Semilla đặt câu hỏi về sự biến mất của hạt giống, quá trình di cư, thuộc địa và sau đó là sự mất mát kiến ​​thức của tổ tiên người dân Columbia. Ảnh: Isadora Romero (Ecuador)

World Press Photo được coi là giải ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay, đây cũng là giải quốc tế duy nhất trên thế giới với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia khắp thế giới. Trong nhiều năm qua World Press Photo đã trở thành một địa chỉ chung cho hoạt động nhiếp ảnh báo chí và trao đổi thông tin.

Giải khu vực (châu Âu), ảnh dự án dài hạn: "Cuộc khủng hoảng Ukraine" - Đường phố Hrushevskoho ở thủ đô Kiev vào ngày 22 -1-2014, ngày thứ hai xảy ra các cuộc đối đầu bạo lực giữa lực lượng thực thi pháp luật và những người biểu tình ủng hộ EU (Liên minh châu Âu). Được chụp từ 2013-2021, dự án này xem xét bối cảnh dài hạn dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2022 ở Ukraine. Ảnh: Guillaume Herbaut (Pháp)

Hàng năm, giải World Press Photo tổ chức cuộc thi ảnh với quy mô lớn nhất thế giới và được đánh giá là cuộc thi danh giá nhất trong lĩnh vực này. Những tấm ảnh trúng giải sẽ được triển lãm lưu động tại hơn 80 quốc gia và in trong một tuyển tập với 6 ngôn ngữ.

Giải khu vực (châu Âu), ảnh đơn: "Evia Island Wildfire" - Bà Kritsiopi Panayiota, 81 tuổi, phản ứng khi một đám cháy rừng lan đến gần ngôi nhà của bà ở làng Gouves trên đảo Evia, Hy Lạp, vào ngày 8-8-2021. Ảnh: Konstantinos TsakalidisTsakalidis (Hy Lạp)

Giải World Press Photo được trao cho bức ảnh "không chỉ vì sự đóng góp của phóng viên trong bức ảnh, mà còn đại diện cho một vấn đề, tình huống hoặc sự kiện báo chí lớn, thể hiện tầm quan trọng, mức độ sáng tạo và nhận thức thị giác vượt trội”.

Giải khu vực (châu Phi), ảnh câu chuyện: "Nỗi sợ đến trường" - Cô Humaira Mustapha khóc tại nhà riêng sau khi hai con gái của cô bị các tay súng bắt cóc tại trường trung học nữ của chính phủ Nigeria, một ngày sau vụ bắt cóc hơn 300 nữ sinh ở Jangebe, một ngôi làng thuộc bang Zamfara, tây bắc Nigeria vào tháng 2-2021. Ảnh: Sodiq Adelakun Adekola (Nigeria)

Giải khu vực (châu Á), ảnh câu chuyện: "Rạp chiếu phim Kabul" - Cô gái Asita Ferdous ngồi trong nhà của mình ở Kabul, Afghanistan vào ngày 10-11-2021. Cô là giám đốc của Rạp chiếu phim Ariana, song cô không được phép vào rạp chiếu phim vì Taliban đã ra lệnh cho các nữ nhân viên chính phủ tránh xa nơi làm việc của họ. Ảnh: Bram Janssen (Hà Lan).

Người giành 2 giải thưởng chính hàng năm sẽ nhận được giải thưởng tiền mặt tương ứng với 5.000 USD. Ngoài 2 giải chính, có 3 giải ảnh đơn và 3 giải câu chuyện cũng được trao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới