Đa phần người giàu ở Việt Nam làm giàu lên từ đất đai là chính mà đất đai ở Việt Nam theo luật pháp thuộc sở hữu toàn dân. Khi mà trong xã hội một số người khai thác mảng tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà giàu lên nhanh chóng thì dễ gây nên những bức xúc và những dấu hỏi về sự giàu có của họ. Đấy là vấn đề. Còn nếu họ giàu có bằng tài năng kinh doanh thực sự, làm ăn đàng hoàng, minh bạch, mang lại lợi ích lớn cho xã hội thì không ai thắc mắc mà mọi người chỉ hoan nghênh sự giàu có đó mà thôi.
Vấn đề chính mọi người quan tâm trước hết là nguồn gốc của sự giàu có đó là từ đâu? Liệu sự giàu có đó có đi cùng với việc chúng ta không có một cơ chế tốt để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi người hay không mà cơ hội làm giàu lên một cách đặc biệt chỉ rơi vào một số ít hay không?
(Theo Infonet)
TS LƯU BÍCH HỒ:
“Con voi trong phòng” và sự giàu có bất thường từ cổ phần hóa
Lâu nay dư luận xôn xao chuyện một số tài sản nhà nước bị thất thoát qua quá trình cổ phần hóa tại một số tổng công ty và tập đoàn và họ cũng kháo rằng đang có một số người trở nên giàu rất nhanh, đặc biệt từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Câu chuyện có thực này được tả hài hước bằng câu ngạn ngữ “có một con voi trong phòng”.
Không phải tự nhiên mà có những doanh nghiệp đã cố tình níu kéo, trì hoãn, không muốn bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước bởi vì họ có thể kiếm lợi được từ những trì kéo này. Họ quá hiểu rằng một khi đưa lên sàn chứng khoán thì mọi thông tin sẽ phải minh bạch. Mà khi đã minh bạch rồi thì muốn “xà xẻo”, “kiếm chác” khó hơn rất nhiều.
Chính việc mua bán không minh bạch sẽ làm thất thoát tài sản của Nhà nước dẫn đến một số người nắm được thông tin, làm chủ thông tin sẽ có cơ hội sở hữu cổ phiếu giá mềm hơn và trở nên giàu có. Thực tế sẽ chỉ có rất ít người nắm được những thông tin “quý hiếm” này. Tóm lại, khi mà không minh bạch, cổ đông không được gì, Nhà nước không được gì, có khi còn bị thất thoát…, chỉ có một số ít người trở nên giàu có.
(Theo VietNamNet)