Những điều ít biết về nghề làm nón lá làng Chuông


Theo những người già trong làng Chuông kể lại, từ khi còn nhỏ đã thấy ông bà cha mẹ mình làm nghề này. Giai đoạn thịnh vượng nhất là những năm đầu thế kỷ 20, cả làng trở nên khấm khá thịnh vượng nhờ làm nón.
Cho đến nay, nghề làm nón vẫn được duy trì, thu hút nhiều lao động từ già tới trẻ tham gia, đây là nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình trong làng. Để duy trì nghề làm nón, cha ông đi trước lại truyền cho thế hệ con cháu, cứ thế nối tiếp nhau. Những đứa trẻ từ khi nằm trong nôi đã quen với hình ảnh bà, mẹ mình làm nghề... 

Vật dụng làm nón gồm lá, chỉ và khung. Để làm được một chiếc nón, phải trải qua nhiều công đoạn: vò lá, phơi nắng, là lá, đan nan… Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất bởi nó quyết định đến độ tròn và sự bền chắc của một chiếc nón.

Các vòng tròn nhỏ dần đến chóp nón tạo ra khung nón. Thường mỗi mối buộc được dùng guột hoặc mây bện lại rất chắc chắn và đẹp mắt. Tất cả được làm bằng thủ công, đòi hỏi sự bền bỉ, khéo léo của những người làm nón. 

Mặc dù mất nhiều công sức và thời gian vậy nhưng mỗi chiếc nón bán ra có giá 60.000-100.000 đồng, tùy từng loại.

Nón làng Chuông được nhiều tỉnh, thành trong nước biết đến nhờ những người buôn nón tới đây thu mua. Ngày nay, nón của làng được biết đến như một thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nón được xuất đi các tỉnh như Yên Bái, Lào cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... và một số tỉnh khác vùng Tây Nguyên.

Theo Bà Phạm Thị Lý (64 tuổi), người đã gắn bó với nghề làm nón lá từ khi còn nhỏ cho biết, hiện có nhiều kiểu mũ nón khác thay thế trên thị trường, do đó nghề làm nón ở làng Chuông cũng gặp khó khăn hơn, từ giá cả cho đến thị trường tiêu thụ cũng hạn hẹp hơn trước. Hiện tại, người làm nón cũng phải tìm tòi, đổi mới mẫu mã cho đa dạng các sản phẩm mới có thể cạnh tranh và giữ được được nghề.









Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới