Những giấc mơ 'chết mòn' của lũ nhóc vạn đò

Những giấc mơ 'chết mòn' của lũ nhóc vạn đò

(PLO)- Đứa trẻ từng xem chiếc thuyền là vùng an toàn duy nhất, còn khi bước ra khỏi chiếc thuyền đều phải đối mặt với những định kiến đầy khắc nghiệt…


Những ngày đầu tháng 9, khi mọi người đang chuẩn bị sẵn sàng cho lễ khai giảng năm học mới thì ngồi trên chiếc thuyền, Trần Thị Hậu thẳng thừng nói: “Hết năm nay có thể em sẽ nghỉ học”.

Năm trước, vào những ngày cận kề tết Nguyên đán, cũng trên chính chiếc thuyền này, Hậu là một em gái nhanh nhẹn, tháo vát, còn kể cho mọi người nghe về thành tích nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và hứng khởi nói ước mơ sẽ làm cô giáo.

Nhưng Hậu là chị cả trong gia đình có bốn chị em. Hậu sẽ nghỉ học để phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học như các anh chị khác, hoặc có thể em sẽ tiếp tục đi học để trở thành người đầu tiên trong xóm chài bước vào trường phổ thông. Hai phương án đó luẩn quẩn trong đầu cô bé tuổi 15 nhưng em không có quyền được lựa chọn.

Rồi Hậu muốn buông bỏ cuộc sống dưới thuyền, nơi đã gắn liền với nhiều ký ức để lên bờ, để được sống “ra con người” hơn. Lên bờ để tránh khỏi ánh mắt săm soi của mọi người về những đứa người “nốc” - là cách gọi chỉ những người dân sống trên thuyền cùng với nhận xét là nơi kém học thức, sống cù lì và tồn tại nhiều tệ nạn xã hội (theo từ điển tiếng Việt, nốc là phương ngữ chỉ chiếc thuyền).

Hậu mang thân phận đặc trưng của những đứa trẻ lớn lên ở xóm vạn đò Thủy Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. Đứa trẻ từng xem chiếc thuyền là vùng an toàn duy nhất, còn khi bước ra khỏi chiếc thuyền đều phải đối mặt với những định kiến đầy khắc nghiệt…

Vào buổi sáng đầu tháng 9, những phụ nữ tại xóm chài mang áo quần ra giặt và phơi phía trước mũi thuyền. Bên trong khoang thuyền rộng hơn chục mét vuông, mấy đứa nhỏ ngồi xúm lại trước chiếc tivi có màn hình lồi ra phía trước.

Năm nay hệ truyền hình tương tự mặt đất đã bị cắt sóng, hai hộ dân thuộc diện cận nghèo được tặng đầu thu sóng nên màn hình trông rõ nét, không còn nhấp nháy những sọc ngang hay hình và tiếng không khớp nhau như trước nữa. Mấy đứa nhỏ khoái chí nói với nhau đó là “thời đại 4.0”.

Truyền hình mấy hôm nay phát sóng những thông tin chuẩn bị cho khai giảng năm học mới, không khí tết Trung thu trên khắp đường phố. Bên cạnh đó, công tác di dân ở Thượng Thành - Eo Bầu (quần thể di tích Cố đô Huế), phòng chống mưa lũ do áp thấp nhiệt đới gần bờ cũng được nhắc đến.

Phía cuối chiếc thuyền, chị Nguyễn Thị Phú đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Hôm nay bảy người sẽ ăn cơm với cá kho và rau luộc. Cá do vợ chồng chị đi thả lưới bắt về, chỉ món rau luộc chị mua ở chợ với giá 7.000 đồng.

Chị Phú xuất thân từ gia đình vạn đò rồi phải lòng một chàng trai cũng làm nghề sông nước. 16 năm trước, những chiếc thuyền được ghép cố định lại với nhau bằng dây thừng và các thanh tre. Một đám cưới ở vùng đất cố đô diễn ra ngay trên dòng sông Hương.

Sau lễ cưới không thể đơn giản hơn, chị về chung sống cùng cha mẹ chồng, bốn người cùng sinh hoạt trên chiếc thuyền rộng chưa tới 10 m2. Hằng ngày, sau giờ cơm tối, hai vợ chồng lên thuyền đi đánh bắt cá giữa vùng đầm phá Tam Giang. “Đây là thời gian duy nhất chỉ tồn tại hai người” - chị Phú ngượng ngùng nói.

Bốn đứa con gái lần lượt ra đời trên con thuyền dập dìu giữa vùng sông nước. Hậu là đứa con đầu, năm nay đang học lớp 9, tiếp theo là Trần Thị Hiền đang vào lớp 6, hai đứa kế tiếp đang học tiểu học.

Những giấc mơ 'chết mòn' của lũ nhóc vạn đò ảnh 4

Trời vừa hừng sáng, hai vợ chồng thu lưới trở về với gương mặt phờ phạc vì thiếu ngủ. Chị Phú mang mớ cá ra chợ bán rồi đổi lấy bó rau về ăn trong ngày, năm ba hôm được một bữa thịt và cá biển cho có tí đạm. Vất vả nhưng thu nhập bởi công việc theo đuôi con cá ngày càng khó khăn, không giống như cái tên Thủy Phú mà mọi người vẫn gọi.

Chị Phú nói: “Nếu không đi đánh cá thì không biết làm gì”. Nên hằng ngày, bốn chị em cao hơn nhau nửa cái đầu ở lại thuyền với bà nội, vợ chồng chị Phú lên chiếc thuyền nhỏ tiếp tục buông lưới giữa vùng sông nước mênh mông.

Trên mỗi chiếc thuyền trung bình 5-10 người, mọi hoạt động nấu ăn, ngủ nghỉ, học bài,... trong khoảng không gian chưa tới 10 m2. Hằng ngày những đứa trẻ phải tắm giặt trên sông, chỉ có nước uống là nước sạch. Cuộc sống khác biệt đã khiến những đứa trẻ như Hậu không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm bạn bè. Chúng thường chơi với những đứa có hoàn cảnh tương đồng.

Năm học cấp 1, khi bị bạn bè gọi là “người dưới nốt lên”, em đã không kìm được lòng, nhiều lần cãi lại nhưng không mấy hiệu quả nên em giả vờ như mình không quan tâm để tránh khỏi sự trêu chọc dai dẳng của bạn bè.

Những năm cấp 2, bạn bè trang lứa hiểu hơn nên không ai chọc nữa. Nhưng những nỗi buồn đó vẫn cứ bấu víu lấy Hậu, em thu mình lại với bạn bè, thậm chí không dám mời ai về chơi. “Chỉ có một vài đứa bạn thân của em là về đây chơi. Em cũng ngại vì con gái tuổi em cũng lớn rồi nhưng về đây mọi thứ rất bất tiện” - Hậu nói.

Đến chiều, những đứa trong xóm đò bắt đầu cởi trần ra tắm trên sông, xung quanh nhiều rác thải. Riêng Hậu vẫn trong trang phục áo thun và quần jean dài chờ trời nhấp nhem tối khi chúng tôi ra khỏi con đò mới nghĩ đến chuyện tắm giặt.

Đối với Hậu, ở trên thuyền khiến em phải sống như những đứa con trai. Đến việc sinh hoạt hằng ngày như nằm ngủ đều không tự nhiên. Lúc ngủ Hậu lấy chiếc chăn mỏng quấn ngang người để che hết cơ thể. Rồi Hậu mơ ước sẽ có một căn nhà trên bờ, không cần quá rộng nhưng có nhà vệ sinh, có nhà tắm và một phòng riêng cho các chị em.

Hậu kể rằng những người trên sông nước thường lấy nhau, ví dụ như cha mẹ Hậu vì hiểu được hoàn cảnh, khó khăn của nhau. Nhưng đa số khi về chung sống, cuộc sống lận đận trăm bề, nhiều cãi vã và nhiều cặp đôi không hạnh phúc. Hậu muốn lên bờ để có cơ hội tìm cho mình một tương lai mới, một con đường tươi sáng hơn…

Trời chập choạng tối, những người đàn ông, phụ nữ lớn tuổi lên chiếc thuyền nhỏ để đi đánh cá. Em đưa ánh mắt nhìn về phía trước mũi thuyền, nơi có con đường làng với cánh đồng lúa. Nhưng em không thể thấy vì bị án ngự bởi đống cát sạn cao như núi của một doanh nghiệp. Trong mắt Hậu chỉ thấy những chiếc thuyền và bãi đất nhỏ mà mỗi ngày em cùng với mấy đứa em hay chơi nhảy dây, lò cò,…

Những giấc mơ 'chết mòn' của lũ nhóc vạn đò ảnh 9
Những giấc mơ 'chết mòn' của lũ nhóc vạn đò ảnh 10