Khách đi ô tô, xe ga mới là "thượng đế"!
Câu chuyện buồn về sự phân biệt đối xử với khách theo thang bậc giàu nghèo của người bán hàng ở Việt Nam thời gian qua được báo chí nhắc đến khá nhiều. Bất chấp sự phàn nàn và cả bực bội của người mua, cách bán hàng khinh thường khách có vẻ ngoài tuềnh toàng vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi. Khi một người dừng xe trước cửa hàng nào đó, việc đầu tiên nhiều chủ cửa hiệu, nhà hàng làm là "soi" xem vị khách đó đi xe gì, mặc quần áo, đi giày dép hay sử dụng điện thoại hiệu gì. Đáng lẽ ra, sự quan sát, nhận diện ấy phải là để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng nhằm phục vụ tốt hơn thì lại được những người bán coi là thước đo để phân biệt đối xử. Câu chuyện "Sáng đi xe hơi được chào đón, chiều đi xe đạp bị coi khinh" của chị Huyền Thu là một ví dụ điển hình. Cùng đến một siêu thị trong một ngày nhưng chị được đối xử theo 2 cách hoàn toàn đối lập. Khi chị Thu đậu xe hơi vào trong siêu thị, anh bảo vệ liền chạy ra làm hiệu. Chị để xe xong anh ta còn nở một nụ cười với khách. Nhưng cùng hôm đó, đến chiều chị và mẹ nổi hứng mượn xe đạp đi chợ của bà ngoại ra siêu thị mua đồ ăn. Họ cũng vào đúng siêu thị đó, vẫn là anh bảo vệ ấy, nhưng phải hỏi 3, 4 lần “Anh ơi cho em gửi cái xe, để ở đâu ạ” thì anh ta mới thèm trả lời cộc lốc một câu: “Vứt đại đó đi”. “Vậy có cần thẻ không ạ?”, chị hỏi. Chị phải hỏi thêm 2 lần nữa mới nhận được cái lắc đầu tỏ vẻ khinh thường, kiểu “xe của bà ai mà thèm lấy mà phải cần thẻ!”.
Nhiều cửa hàng phân biệt đối xử với khách theo kiểu "trông mặt bắt hình dong".
Chị Thảo (Hà Nội) cũng từng phải ôm cục tức khi đi xe số vào một cửa hàng quần áo và nhận được thái độ khinh khỉnh của bà chủ cửa hàng. Cô bán hàng nhìn chiếc xe của Thảo theo kiểu chẳng có hy vọng gì, đi xe vậy tiền đâu mà mua quần áo xịn. Thấy Thảo cầm thử tới cái áo thứ 2 là người bán đã đăm đăm khó chịu, chả thèm hỏi han gì, chứ ngồi dũa móng tay. Trên kệ có size nào thì thử, chứ hỏi có thêm size khác trong kho không là hơi khó. "Hết rồi. Hàng độc lấy đâu ra nhiều size", câu nói này khiến chị Thảo phải kiềm chế lắm mới trụ lại cửa hàng được. Vừa quay gót rời cửa hiệu quần áo, Thảo đã nghe câu nói dấm dẳng của cô bán hàng “Không có tiền mà ngó với chả nghiêng”. Tuy nhiên, không phải lúc nào người bán cũng khó tính như thế. Với những người trông "tiềm năng", ăn mặc sành điệu, môi son chải chuốt, và đặc biệt đi xe ga đậu xịch trước cửa hàng của cô bán hàng kia thì lại khác. Cô đon đả tiếp đón, dựng xe cho khách vào chỗ mát, ngay ngắn. Kiểu cách bán hàng "nhìn mặt mà bắt hình dong" này dường như không còn là chuyện xa lạ. Trong nhiều trường hợp, người đi mua sắm ăn mặc tuềnh toàng mà sờ vào hàng hiệu sẽ ngay lập tức được nhân viên bán hàng nhắc khéo rằng đó là hàng đắt tiền và khách hàng... khỏi cần xem. Vừa bán hàng, vừa... lườm, chửi, đuổi khách Không chỉ có kiểu bán hàng khinh thường khách, nhiều bà chủ quán thậm chí còn vừa bán hàng, vừa "khuyến mãi" bằng những cái lườm, câu chửi, thậm chí là... đuổi khách.
Một bà chủ bán hàng với thái độ bỗ bã
Câu chuyện "Ăn chưa xong bát miến đã bị chủ quán... 'đuổi'" của nick name Phạm Giang trên một diễn đàn xảy ra vào trưa ngày 25/3 tại quán miến trộn, bánh đa cua khá nổi tiếng trên Dốc Tam Đa, đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình – Hà Nội) từng khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Phạm Giang than thở: “Chả là em vừa đi ăn trưa ở quán miến trộn Dốc Tam Đa về, đúng là miếng ăn ngon là miếng nhục, mình vừa ăn phải trả tiền mà chuốc thêm bực vào mình. Hai chị em vào quán gọi đồ ăn xong, đứng 1 lúc thì chủ quán bảo cứ ra ngồi đi, tý có người ra hỏi ăn gì không lại nhầm. Hai chị em ra tìm được chỗ ngồi thì chủ quán hỏi ăn gì, mình gọi đồ ăn lần 2. Một lúc sau con gái bà chủ quán ra hỏi ăn gì, mình nhắc lại lần thứ 3, nhưng làm vẫn nhầm, lại còn bảo do chị gọi muộn nên làm rồi. Đang ngồi ăn chưa được 5 phút, cô bé ở quán (chắc kém tuổi mình nhưng lúc nào cũng thích được gọi là chị, đã xấu lại còn vô duyên) ra bảo, này hai em ăn xong chưa, đứng dậy hộ chị, ngồi lâu quá rồi đấy. Mình mở to mắt xem có nhìn và nghe nhầm không, trong khi còn mấy cái bàn nữa không có khách ngồi. Mình đứng dậy trả tiền về luôn và cạch đến già không bao giờ quay trở lại ăn nữa”.
Chia sẻ đã nhận được nhất nhiều sự quan tâm của các thành viên trong diễn đàn.
Ngay khi đoạn tâm sự được chia sẻ, rất nhiều thành viên của diễn đàn đã like, comment bày tỏ sự bức xúc đối với thái độ phục vụ của nhân viên tại quán ăn này. Sau khi nhận được sự phản ánh của khách hàng, chị Yến (nhân viên phục vụ tại quán- người trực tiếp ra nhắc khách) xác nhận, có sự việc đó. Tuy nhiên, nhân viên này cho biết, đó không phải là đuổi khách, mà vì thấy 2 khách đó ngồi quá lâu, nên mới ra nói rất tế nhị: “Chị ơi, chị ăn xong chưa, nếu ăn xong rồi chị bán lại chỗ cho em”. Khi được hỏi 2 vị khách đó đã ăn xong bát miến hay chưa và họ đã ngồi bao lâu, chị Yến nói: “Họ chưa ăn xong, nhưng ngồi quá lâu. Ai lại ăn bát miến ở quán vỉa hè mà ngồi đến hơn một tiếng (ra từ lúc 11h hơn, mà đến tận 12h30 mới đứng lên). Thế nên em mới ra hỏi chứ ai lại đuổi khách. Dùng từ đuổi nghe sao nặng nề thế”. Và đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ lùm xùm người bán hàng ứng xử thô lỗ với khách hàng. Ở Hà Nội, không khó khi đi bạn đi mua hàng, nhất là hàng ăn, mà được “tặng kèm” những cái lườm nguýt, thái độ khó chịu hay thậm chí… mắng chửi từ nhân viên phục vụ hoặc người bán hàng. Ở nhiều cửa hàng trên phố, các chợ trên đất Hà thành, chỉ cần khách động vào hàng, hỏi giá mà không mặc cả hoặc mặc cả rồi mà không mua là có thể bị chửi, đốt vía, thậm chí là no đòn với chủ hàng. Bi hài bị "ăn quịt" vì trông mặt mà bắt hình dong Chính cách suy nghĩ "trông mặt mà bắt hình dong" có ở nhiều nơi đã làm nảy sinh ra những câu chuyện bi hài khi kẻ gian lợi dụng tâm lý đó để "ăn quịt". "Độc chiêu" của chúng là ăn mặc thật thời thượng, đi xe đắt tiền để dễ dàng tạo lòng tin và sự tôn trọng từ nhân viên bán hàng. Và tất nhiên, tâm lý xem trọng những người có vẻ ngoài bảnh bao khiến không ít người bị lừa. Một ví dụ điển hình được anh Tuấn (28 tuổi, TP.HCM) kể lại. Một buổi sáng, anh ghé vào quán gần nhà gọi một tô bún bò và ngồi chờ. Vài phút sau có hai thanh niên ăn mặc khá thời thượng, đi xe tay ga tới bàn anh ngồi cùng mặc dù quán vẫn còn vài bàn trống. Hơi thắc mắc nhưng anh Tuấn cũng chẳng để tâm, cho đến khi nhân viên bưng tô bún đặt xuống bàn thì một trong hai anh chàng kia vội giật lấy ăn trước khiến anh Tuấn khá bực. Hai thanh niên ăn rất nhanh và vội vã rời quán. Đến khi anh Tuấn kêu tính tiền thì mới giật mình khi tô bún quen thuộc đã tăng lên gấp ba lần. Hỏi nhân viên thì được trả lời: “Anh ăn ba tô ạ, hai anh hồi nãy có nói là có việc bận đi trước, để anh trả tiền luôn”. Đến lúc này Tuấn mới ngớ người hiểu ra hành động lạ của hai thanh niên trẻ, anh bức xúc: “Đúng là không hiểu nổi! Ăn mặc sành điệu, đi tay ga hẳn hoi mà lại chơi bẩn quá thể. Thanh niên trai tráng khỏe mạnh mà tới cái tô bún cũng phải ăn quỵt, chẳng ra cái thể thống gì nữa”.
Nói về việc khách hàng ăn quỵt, Nam, nhân viên phục vụ quán nhậu bình dân ở quận 12, TP.HCM chia sẻ: "Hồi mới vào nghề, tôi nhiều lần dở khóc, dở cười với một số khách hàng ăn quỵt. Nhìn ăn mặc cũng lịch sự, gọi món nhậu nhẹt, say xỉn khí thế, lại chẳng ngại hạch sách chê này chê nọ, yêu cầu phục vụ nhanh rồi tí nữa sẽ thưởng. Đến khi gần tàn cuộc, một ông giả vờ xỉn vật vừa, hai ông còn lại dìu ra xe để chở về và nói: “Em phụ anh đưa thằng bạn ra xe cho thằng kia chở về rồi anh ở lại tính tiền”. Ấy thế mà ba bác ấy nhảy lên xe phóng đi mất để em ú ớ với cái hóa đơn chưa thanh toán. Thế đấy, chẳng tin ai được đâu, bữa nhậu chưa đến 400 ngàn đồng mà nỡ.... Tôi bị một lần rồi cảnh giác tới già với mấy chiêu trò này". Chuyện xung quanh văn hóa bán hàng ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Kiểu bán hàng khinh thường khách, đuổi khách, thô lỗ với khách có thể thấy ở khắp nơi, từ chợ cho đến cửa hàng, nhà hàng lớn, siêu thị... Điều trớ trêu và ngược đời là nhiều "thượng đế" phải thích ứng để "chiều" theo phong cách bán hàng khó chấp nhận đó. Nếu ăn mặc không sành điệu, thời thượng thì họ không dám bước vào cửa hàng bán đồ đắt tiền trên phố lớn vì sợ bị tiếp đón với thái độ khinh khỉnh. Thậm chí có người thu nhập bình thường cũng phải gồng mình mua cho được chiếc xe tay ga để đi đâu cũng đỡ bị xem thường. Phải chăng, đã đến lúc chính các "thượng đế" phải bày tỏ thái độ phản đối kiểu cách bán hàng thiếu chuyên nghiệp, phân biệt đối xử, thậm chí là kêu gọi tẩy chay. Đó cũng là cách để những người bán hàng thay đổi cung cách ứng xử với các thượng đế, người đã bỏ tiền ra để nhận được sự phục vụ chứ không phải là sự bực mình!.
Theo Trí Thức Trẻ