PHÂN TÍCH TỪ THẢM KỊCH BÓNG ĐÁ AI CẬP:

Những mồi lửa ở châu Phi

Đúng như nhiều người lo ngại, dư chấn vụ “thảm sát” trên sân Ai Cập sau trận Al Masry - Al Ahly tiếp tục lan ra khắp nước với thêm bốn CĐV nữa bị cảnh sát bắn chết trong cuộc xuống đường phản đối chính quyền ở TP Suez. Dư chấn này đã khiến hai người chết và 628 người khác bị thương do ngạt thở hơi gas do cảnh sát xịt trấn áp biểu tình tại thủ đô Cairo.

Trước đó, cũng ở Cairo khán giả đã đốt sân sau khi được thông báo hoãn trận giữa Al Ismailiya - Zamalek vì sợ rơi vào tình huống xấu tương tự.

Báo chí quốc tế đã bình luận đây không còn là bóng đá nữa mà là “chiến tranh”!

Cùng từ những bình luận trên phân tích thì nhìn rộng ra, nó thể hiện sự bất mãn tiềm ẩn lâu nay của người dân đối với hệ chính quyền vừa độc tài vừa yếu kém trong việc phát triển kinh thế đưa đến cảnh bất công, đói nghèo, thất học... Riêng ở Ai Cập, đây là phản ứng của người dân sau một năm lật đổ cựu Tổng thống H. Mubarak mà tình hình vẫn không thay đổi khá hơn dưới chế độ quân sự cầm quyền.

Những mồi lửa ở châu Phi ảnh 1

Những hình ảnh tang thương này vẫn không ngăn được bạo loạn ở châu Phi luôn chực chờ phát hỏa. Ảnh: AFP

Và điều đấy không chỉ ở Ai Cập mà đó gần như là tình trạng chung của cả châu Phi. Là hậu quả của phong trào “Mùa xuân Ả Rập” bùng nổ đầu năm 2011 gây biến động ở nhiều nước châu Phi từ Tunisia, Ai Cập đến Yemen, Syria hiện nay.

Trong tình hình đó, chỉ một vài sự cố nhỏ trong bóng đá cũng đủ thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ biến thành bạo động dữ dội. Cho nên đa số các vụ hỗn loạn gây chết người trong bóng đá ở châu Phi là một trận “nồi da xáo thịt” loạn đả, đánh đá, đâm chém nhau. Nó khác hẳn với tai nạn bóng đá đã xảy ra trên thế giới như vụ sập tường, sập khán đài đè chết 39 người, 600 người bị thương ở sân Heysel - Bỉ năm 1985 (trước trận Juventus - Liverpool) hoặc do bọn hooligan cực hữu quá khích gây nên ở châu Âu.

Thảm kịch Port Said vừa qua là đỉnh điểm cao trào phẫn nộ chính trị lan qua bóng đá ở châu Phi với tâm điểm là vùng Bắc Phi.

Qua vụ việc trên, một kết luận được đưa ra từ chính các giới chức FIFA và nhiều người đồng tình, đó là bóng đá là một mặt phản ánh xã hội, vì thế muốn ngăn chặn, đẩy lùi tai họa “bóng đá đẫm máu” thì cần thiết phải cải tổ sinh hoạt xã hội ổn định lành mạnh hơn, nâng cao dân trí đạt trình độ có văn hóa hơn.

Những vụ án liên quan đến bóng đá ở châu Phi

Ai Cập năm 2006: Một CĐV Libya bị bắn chết trong trận Ai Cập - Morocco.

Ghana năm 2002: Hai CĐV bị bắn chết ngay trên sân. Trước đó, năm 2001, hơn 125 người chết, hàng trăm người bị thương trong trận Accra Hearts - Asante Kotoko.

Những mồi lửa ở châu Phi ảnh 2

Cộng hòa Congo năm 2001: 14 người chết trong trận Mazembe - Saint Eloi. Trước đó, năm 1998, bốn người bị bắn chết ở trận AS Vikla - Motema Pemba.

Zimbabwe năm 2000: 17 người chết ở trận World Cup giữa Zimbabwe - Nam Phi.

Mauritius năm 1999: Bảy người chết sau trận Scouts Club - Free Brigade.

Libya năm 1996: Tám người chết, 39 người bị thương trận Al Ahly - Al Ittihad…

HUY KHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm