Khi sinh thời, cố nhà báo Tường Vy hay nói ông Tư Ngữ (cố Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, TP.HCM - Trần Thanh Ngữ) là “ông già dở hơi”.
Làm thể thao để đời hơn là để lấy thành tích
Cứ nói đến thể thao quận 1 là nhiều người lại nhớ đến ông Tư Ngữ có cái đầu táo bạo và luôn đi tiên phong trong các hoạt động độc đáo. Có lúc ông còn sẵn sàng “chống” cấp trên để bảo vệ cách làm thể thao của mình. Chẳng hạn những năm 1990 khi ông giám đốc Sở TDTT TP.HCM rồi sau này là tổng cục trưởng Tổng cục TDTT không ủng hộ phong trào bóng đá nữ thì ông kiên quyết nuôi phong trào. Không có đội đá giao hữu thì ông móc đội lão tướng các tỉnh rồi dồn hết cầu thủ nữ vào xe tải phủ bạt kín mít nhằm tránh sự dòm ngó của các đơn vị “học lại” ông giám đốc sở. Ấy thế mà có lần cả đội nữ của ông Tư bị lãnh đạo “phi” Vespa chặn đầu rồi mở hết bạt ra bắt quả tang việc đưa cầu thủ nữ đi đá lậu.
Sau này khi bóng đá nữ phát triển và có nhiều thành tích cho bóng đá Việt Nam thì nhiều người vẫn nhắc đến công lao ông Tư Ngữ. Ông không ngồi ghế cao với lãnh đạo ngành bởi chỉ là “sếp” phụ trách thể thao của một quận nhưng vẫn nhìn xa trông rộng, nuôi đội, nuôi phong trào bằng kinh phí riêng rồi từ từ thuyết phục cấp trên.
Cũng chính ông Tư Ngữ là người đột phá để ra đời cuộc đua “Về thăm Điện Biên” lịch sử mà cả đoàn đều phải nằm gai nếm mật với võng và chiếu như các chiến sĩ thay vì ăn, ngủ trong khách sạn như mọi cuộc đua…
Không “đu” theo thành tích nhưng lại hết lòng với những việc làm giàu tình người. Cả gia đình Trung tâm TDTT quận 1 xắn tay cùng báo Pháp Luật TP.HCM và báo SGGP tổ chức trận cầu từ thiện giúp đỡ nhà báo Minh Hùng. Ảnh: XUÂN HUY
Những ông giám đốc “dở hơi” tiếp nối truyền thống ông Tư Ngữ
Ngày ông Tư Ngữ nằm xuống, trong sổ tang của gia đình ông có những cán bộ cấp cao đã viết những dòng tiếc thương như: “… Anh nằm xuống để lại mất mát lớn cho ngành thể thao về sự táo bạo và yêu nghề của người hết lòng với sự nghiệp thể thao nước nhà…”. Cũng có người chia sẻ: “Biết bao giờ thể thao Việt Nam mới có người tâm huyết như anh…”.
Vậy mà bây giờ thể thao quận 1 vẫn có những thế hệ đang tiếp nối truyền thống mà ông Tư Ngữ để lại. Không có kinh phí để tổ chức những giải đình đám; không là lá cờ đầu trong việc tiên phong… nhưng quận 1 lại đang gồng gánh rất nhiều điểm nóng cho thể thao TP.HCM và cả quốc gia. Điển hình là kiên trì với bóng đá nữ khi luôn đóng góp vào lực lượng nòng cốt của đội tuyển nữ quốc gia và các đội tuyển trẻ. Nhưng điều đáng nói hơn của thể thao quận 1 lại chính là tầm vóc của những việc làm mang tính xã hội rất lớn. Những việc làm không được cộng vào thang điểm thi đua của quận nhưng lại góp phần tích cực và ý nghĩa cho ngành thể thao. Như tổ chức trận đấu quyên góp cho nữ VĐV Lê Thị Huệ. Điều mà có lúc ngành thể thao như lãng quên trước số phận nghiệt ngã của VĐV này thì ông Giám đốc Trung tâm Trần Anh Tuấn và các nhân viên của Trung tâm TDTT quận 1 đã làm mọi cách để nhà đô vật nữ xấu số bớt tủi thân. Hoặc việc gây quỹ cho nhà báo Minh Hùng đã được toàn bộ Trung tâm TDTT quận 1 hết mình và hết lòng cùng báo Pháp Luật TP.HCM và báo SGGP tổ chức trận đấu ấm áp tình người. Gần đây hơn là tiệc cưới có một không hai của tuyển thủ bóng đá Kim Hồng và HLV Phú Kiện đều là hai thành viên “ăn cơm” Trung tâm TDTT quận 1 từ bé. Một tiệc cưới không có thảm đỏ nhưng rất ấm áp trong màu xanh của sân bóng đá Tao Đàn. Cái sân mà Kim Hồng trưởng thành từ khi còn là sân cát sang đến sân cỏ nhân tạo và té lên té xuống rồi cũng trưởng thành từ đó.
Nhiều người cứ chọc ông Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1 Trần Anh Tuấn là “chủ hôn” của một đám cưới độc nhưng đầy ý nghĩa khi tôn vinh những người con của quận 1 đóng góp cho ngành thể thao thì anh chỉ cười trừ và chia sẻ: “Chúng tôi làm thể thao với tiêu chí gắn kết với xã hội, với những hoàn cảnh và không chỉ là thành tích bởi đây cũng là truyền thống của quận 1 mà thời chú Tư Ngữ đã bị mang tiếng là “dở hơi” rồi…”.
Mừng thọ cố tuyển thủ Tam Lang Giới bóng đá không quên được buổi mừng thọ đúng ngày Valentine năm 2014 cũng là sinh nhật thứ 72 của ông Tam Lang. Bắt đầu từ ý tưởng của chi hội cựu cầu thủ thế là cả gia đình Trung tâm TDTT quận 1 xắn tay vào rồi lên kịch bản. Buổi mừng thọ ông Tam Lang hôm đấy lại còn có thêm món quà là Quỹ Phạm Huỳnh Tam Lang giúp những cầu thủ nghèo được tổ chức thật cảm động đến độ người cựu tuyển thủ đấy và những đồng nghiệp khác cứ rưng rưng vì xúc động. Thật dễ thương khi chính gia đình Trung tâm TDTT quận 1 đã lên tiếng luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay để giúp các hoàn cảnh cơ cực trong ngành thể thao với tất cả tấm lòng và những gì mà quận 1 thừa hưởng từ truyền thống của những ông giám đốc “dở hơi”. |