Nhà báo ảnh Nick Út, tác giả của bức ảnh “Em bé napalm” nổi tiếng thế giới đã có chuyến hành trình dài gần hai tuần đi thăm những vùng đất đạn bom từng dội xuống ở Campuchia và Việt Nam. Trước khi quay trở lại Mỹ vào sáng 28-12, ông đã dành cho Pháp Luật TP.HCM cuộc trò chuyện về những chuyến đi của ông.
Về thăm nhà “em bé napalm”
. Phóng viên: Nơi nào ông muốn đến đầu tiên mỗi khi trở về Việt Nam?
+ Nhà báo Nick Út: Nơi tôi muốn trở lại đầu tiên luôn là Trảng Bàng, Tây Ninh. Đó là nơi tôi đã chụp bức ảnh cô bé Kim Phúc, góp phần mang đến cho thế giới hình ảnh về chiến tranh ở Việt Nam, giúp mọi người hiểu về chiến tranh, không ai muốn chiến tranh nữa. Tôi vừa đến thăm gia đình Kim Phúc và thăm quán cà phê kế bên đó. Mọi người ở đây đều nhận ra tôi và xem tôi như người trong nhà. Vừa qua, Kim Phúc gửi email cho tôi nói: “Merry Christmas, con chúc chú lúc nào cũng khỏe mạnh, con muốn gặp chú tại đám cưới của con trai con ở Toronto”. Tôi nhất định sẽ đến dự đám cưới. Mấy lần tôi đến thăm Kim Phúc, ba má Kim Phúc nấu bánh canh Trảng Bàng cho tôi ăn.
Ngoài ra, tôi muốn đi lại Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, là nơi có những bãi mìn. Ngày xưa tôi ở đó rồi, bây giờ muốn quay lại. Tôi đã mấy lần đến đây chụp ảnh và đã có nhiều tư liệu rồi.
. Đến bây giờ ông còn muốn chụp về đề tài chiến tranh nữa không?
+ Không, tôi không muốn nữa. Bây giờ tôi muốn chụp ảnh những nụ cười. Tôi muốn quên đi chiến tranh. Hình ảnh nhiều người bị giết trong chiến tranh làm tôi đau đớn. Tôi còn nhớ có lần ở tỉnh Tây Ninh, tôi thấy hai cô gái mặc áo dài trắng chở nhau bằng xe đạp bị rớt vào hố gài mìn, điều đó ám ảnh tôi mãi. Sau này tôi quay lại hỏi thăm thì được biết họ không qua khỏi, đau lòng quá. Bây giờ quay lại những nơi đó, tôi thấy người dân sống yên ổn, những em bé vui vẻ đến trường, tôi vui lắm. Tôi chỉ muốn thấy những hình ảnh như vậy.
Nhà báo Nick Út và Kim Phúc - nhân vật trong bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Nick Út: “Bây giờ tôi chỉ muốn chụp ảnh những nụ cười”. Bức ảnh chụp tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Tư liệu
“Tôi tiếc vì rời Việt Nam sớm quá”
. Đã bao giờ ông hối tiếc về điều gì chưa làm được trong sự nghiệp của mình?
+ Có chứ, điều tôi hối tiếc nhất là năm 1975, tôi rời khỏi Việt Nam quá sớm. Ngày 27-4-1975, hãng AP quyết định rút tôi sớm. Tôi muốn ở lại chụp những khoảnh khắc lịch sử khi quân giải phóng chiến thắng tiến vào nhưng không được. Tôi đã xem tivi, thấy hình ảnh đồng bào hân hoan mừng rỡ trong ngày 30-4-1975, thấy hình ảnh những người lính cởi giày tặng cho người dân trên đường phố, tôi không có những bức ảnh đó, quả thật rất tiếc. Tôi không muốn đi chút nào nhưng cơ quan quyết định đưa tôi đi để đảm bảo an toàn cho tôi.
. Ông đã nghĩ tới việc nghỉ hưu chưa?
+ Tôi có kế hoạch nghỉ hưu vào năm 2016, đó là lúc tôi làm cho hãng AP tròn 50 năm. Khi nghỉ hưu rồi, mỗi năm tôi sẽ ở Việt Nam khoảng 5, 6 tháng. Thời gian còn lại tôi sẽ đi khắp nơi. Chân tôi là chân đi mà. Nhưng tôi không chắc chắn lắm vì có thể lúc đó tôi còn ham làm việc và không chịu nghỉ hưu. Kế hoạch nghỉ hưu của tôi hay bị thay đổi lắm.
Mỗi ngày tôi dành hơn một tiếng đồng hồ để tập thể thao cho có sức khỏe tốt. Nghề này phải có sức khỏe. Mỗi khi tôi đi làm việc, trong túi có ít nhất là bốn chiếc máy ảnh, đồ nghề nặng hơn 30 kg. Tôi mang vác hoài quen rồi, có khi nhiều bạn đồng nghiệp người Mỹ ôm không được và nói: “Sao ông già mạnh quá vậy?”.
Sau khi chụp bức ảnh Kim Phúc, đi đâu người ta cũng nhận ra tôi và tôi không phải dùng đến thẻ nhà báo nữa. Nhiều người nhận ra tôi và gọi tôi: “Hi, Nicky, Nicky”.
Công việc này không mang lại nhiều tiền, sự giàu có nhưng đây là một công việc rất thú vị. Tôi nghĩ có khi triệu phú chưa chắc có những niềm vui mà tôi được trải nghiệm. Chỉ với chiếc máy ảnh, tôi đi khắp nơi trên thế giới và cảm nhận được niềm vui sống mỗi ngày.
. Lần này trở về, ông chỉ có thời gian hai tuần nghỉ phép, tại sao ông dành hơn nửa thời gian đó để đến Campuchia? + Tôi có tình cảm đặc biệt với Lào và Campuchia. Đặc biệt là Campuchia và tôi đã quay lại đây nhiều lần. Thời còn trẻ, tôi thường xuyên đi chụp về chiến tranh, chứng kiến rất nhiều cảnh rất đau khổ ở đây. Bây giờ tôi rất vui khi thấy đất nước của họ đang phát triển, người dân đã dần quên những ký ức chiến tranh. Vừa qua, tôi đi thăm bảo tàng ở Phnom Penh, xem những hình ảnh người dân bị giết thật khó mà quên được, ai nhìn thấy cũng rớt nước mắt. Tôi cũng rớt nước mắt vì nó đau thương quá. Ước gì những hình ảnh đó, ký ức đó, người ta có thể an táng nó, mỗi lần nhìn thấy lại đau khổ quá đi. Tôi đã bị thương hai lần ở Campuchia, may mắn là thoát chết. Giờ nghĩ lại sao thấy hồi đó mình gan dạ quá. Tôi nghĩ PV chiến trường đều là những người anh hùng, quả cảm. Khi quân đội chưa mở đường, họ đã băng đi trước mà chỉ có mỗi chiếc máy ảnh trong tay. ________________________________________ Nhà báo Nick Út trò chuyện với nhà báo Giản Thanh Sơn về chuyến đi. Ảnh: H.MINH Nhà báo Giản Thanh Sơn, tác giả cuốn sách Phóng viên ảnh Nick Út huyền thoại giản dị xuất bản giữa năm 2014, cũng đã có cuộc gặp mặt thân mật với ông Nick Út chiều 27-12 tại một quán cà phê ấm cúng giữa Sài Gòn. Nhà báo Giản Thanh Sơn chia sẻ: “Tôi rất yêu quý anh Nick Út. Để làm cuốn sách về anh, tôi ấp ủ ý tưởng bốn năm trời. Khi bắt tay vào thực hiện, tôi mất khoảng 60 đêm thức trắng. Trong nghề báo, có thần tượng là điều rất hay. Từ đó mà mình có thêm nhiều động lực, cảm hứng để làm việc và luôn phấn đấu rèn luyện tay nghề. Nick Út là thần tượng của tôi, đồng thời là người anh, người bạn rất đáng quý”. |