Ông thầy người Hàn Quốc sau chuyến “vi hành” sang Na Uy dự khán tiền đạo Việt kiều Alexander Đặng thi đấu đã không gọi lên tuyển ở đợt tập trung cho King’s Cup vào đầu tháng 6. Ông Park cũng nói không với các cầu thủ gốc Việt như thủ môn Filip Nguyễn hay các hậu vệ khác chơi bóng tại một vài đội hạng dưới châu Âu.
Rõ ràng không dễ chọn quân phù hợp với cách dạy của thầy Park và thích ứng với kiểu chơi của các tuyển thủ Việt Nam đã từng quen thuộc với nhau sau hơn một năm qua. HLV Park Hang-seo chắc hẳn tự hài lòng với những gì mình có, đặc biệt với một số cầu thủ từng là trụ cột dù phong độ của họ gần đây chưa tốt.
Hàng loạt chiến tích của thầy Park với bóng đá Việt Nam đã chứng minh cho tài thao lược và khả năng sử dụng người phù hợp cho ý đồ của mình. Hà Đức Chinh, Tiến Linh chỉ là phương án phụ ở CLB vẫn là kép chính trên tuyển. Anh Đức, Trọng Hoàng dưới tay thầy Park đá như hồi xuân. Quang Hải bỗng dưng chơi tiền vệ giữa sắc sảo hay Quế Ngọc Hải “hổ báo” ở CLB nhưng về với thầy Park thì ngoan ngoãn, chững chạc; Đình Trọng, Duy Mạnh cũng thích nghi nhanh với cách chơi ba trung vệ,…
Các tuyển thủ về với thầy Park đều có sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyên môn lẫn sự điềm đạm cần thiết để làm nên chiến thắng vang dội. Ảnh: NGỌC DUNG
Nói không với các cầu thủ Việt kiều không phải vì chuyên môn họ kém mà vì sự hòa nhập với lối chơi chung của đội tuyển. Ảnh: GETTY IMAGES
Thầy Park chưa bao giờ nghi ngờ Công Phượng đá kém ở CLB Incheon United nhưng có lúc ông rất lo lắng cho chân sút của HA Gia Lai dần mất suất chơi tại Hàn Quốc. Việc ông trở lại quê hương và tìm đến Công Phượng không ngoài việc thăm hỏi lẫn tư vấn, tác động tháo gỡ khó khăn cho học trò xuất phát từ niềm tin của thầy Hàn đối với học trò thân thuộc.
Rất ít người tin HLV Park Hang-seo sẽ làm nên chuyện ở Asiad 18, AFF Cup 2018 hay vòng chung kết Asian Cup 2019 nhưng rồi ông đã làm cho các nhà làm bóng đá thay đổi góc nhìn về các cầu thủ. Thầy Park biết cách đặt học trò vào vị trí phù hợp nhất và kích thích tinh thần chiến đấu của họ, điều mà các đời tiền nhiệm hoặc HLV ở các CLB chưa nhìn ra đầy đủ tiềm năng của họ.
Cái hay của ông Park là khắc phục rất tốt điểm yếu của cầu thủ, như ở vòng loại U-23 châu Á với thành phần có nhiều vị trí dự bị, thậm chí không có chỗ chơi tại CLB vẫn giúp họ tạo ra một sức mạnh tập thể hơn Thái Lan và Indonesia dày dạn kinh nghiệm.
Sắp tới ở King’s Cup, bất chấp mặt bằng cầu thủ Việt Nam có vẻ không bằng người Thái nhưng niềm tin và tài xoay xở của HLV Park Hang-seo sẽ tạo ra một kết quả khác.
Đã chơi là phải thắng Có nhiều ý kiến lo ngại cho HLV Park Hang-seo trong thời điểm này không có lực lượng mạnh như ý nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham dự King’s Cup tại Thái Lan. Tuy nhiên, một khi ông thầy người Hàn đã nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thì ông có cách uốn nắn các học trò sao cho hợp lý nhất. Ông Park có một nguyên tắc bất di bất dịch ở mỗi lần đưa cầu thủ ra sân thi đấu là không nhân nhượng và luôn tìm cách chiến thắng, bất kể thi đấu giao hữu hay chính thức. Thầy Park hay gọi đó là tinh thần chiến binh và biết cách vượt khó sẵn có của các học trò. |