HLV Hoàng Anh Tuấn có mặt rất sớm ở sân C500 (Học viện An ninh, Hà Nội) cứ tấm tắc: “Công nhận là vui, không khí rất thích”. Chung tay với giải đấu, ông Tuấn cùng Giám đốc kỹ thuật Gede ra sân “phủi” dự khán, trao những món quà là vật lưu niệm của tuyển U-20 Việt Nam tại vòng chung kết World Cup U-20 đồng hành với chương trình “Hướng về xứ Thanh”, do đội bóng Moon khởi xướng để ủng hộ đồng bào lũ lụt.
Ở sân bóng, HLV Hoàng Anh Tuấn gặp nhiều học trò từng khoác áo U-20 Việt Nam và cảm nhận không khí, niềm vui bóng đá nên háo hức “chắc chắn sẽ lại ra sân để tận hưởng”.
Cựu tuyển thủ quốc gia Việt Thắng chia sẻ khi PVF chuyển trụ sở ra Hà Nội, cùng Phước Tứ đầu quân cho Dương Nội: “Ở miền Nam, nghe nhiều về giải đấu nên tôi muốn đăng ký chơi bóng một lần để nếm trải cảm giác tận hưởng…”. Hai ông thầy đang huấn luyện trẻ xỏ giày ra sân nhìn khán giả và hồi tưởng lại quá khứ hào hùng. Ở đó họ gặp các đồng đội cũ như Thành Lương, gặp cả các học trò và khán giả của mình...
Giám đốc kỹ thuật Gede và HLV Hoàng Anh Tuấn trao những phần quà từ U-20 và ban tổ chức để đấu giá giúp đồng bào bị lũ lụt. Ảnh: DTL
Chung với niềm vui bất tận ấy, CĐV Lê Bình của đội Cường Quốc cứ cuối tuần lại bay từ Cần Thơ ra Hà Nội xem, cổ vũ rồi bay về. Trong khi đó, từ ba năm qua, nữ CĐV Minh Minh vẫn liên tục ra Hà Nội để tiếp lửa cho Thành Đồng mỗi mùa HPL. Cô gái này yêu Thành Đồng nên thành một thành viên của đội, cứ thu xếp được công việc là từ Biên Hòa ra cổ vũ khản cả giọng.
Cũng vì vui và khát khao thử sức, hai cầu thủ “số má” của bóng đá phong trào TP.HCM là Cáp “capdervila”, Trung “nhóc” nhận lời đầu quân cho Hanel Ocean, cứ thứ Bảy lại bay ra thi đấu, sau trận về luôn để sáng hôm sau kịp đi làm.
Tuy là giải phong trào nhưng Saigon Special League từ hai năm nay có hai hạng đấu với lên xuống hạng rất quy củ. Một số CLB có chuyển nhượng và trả lương, chế độ luyện tập cũng như tạo công ăn việc làm, đi học cho cầu thủ. Từ sân chơi rất hay, vui và giàu ý nghĩa, giá trị của một cộng đồng nên nhiều thương hiệu lớn nhảy vào đồng hành cùng giải như Grand Sport (Thái Lan), Mizuno, sơn Kansai (Nhật Bản), Sanna Khánh Hòa, Động Lực, Vntrip.vn… Đông đến mức ban tổ chức không còn chỗ đặt biển quảng cáo quanh sân, phải treo trên khán đài và cả… trên lưới.
Tinh thần “chơi có ý thức, chơi để tận hưởng” được cả giải đấu hưởng ứng, ủng hộ nên dù có va chạm, tranh cãi lẫn phản ứng trọng tài nhưng tất cả đều cư xử rất văn minh. Đó là sự khác biệt, là lý do mỗi buổi chiều Chủ nhật từ 14 giờ đến tận tối mịt, các khán đài luôn kín khán giả. Chính khán giả là những trọng tài, giám sát và điều chỉnh hành vi của các cầu thủ, đội bóng theo một cách công bằng nhất.
Ở tuổi lên năm, HPL-S5 đã trở thành một ngày hội bóng đá đúng nghĩa khi ban tổ chức, người chơi lẫn khán giả đều được chơi, tận hưởng bóng đá. Ở đó người ta tìm thấy niềm vui với bóng đá để cháy hết mình.
Những nhà tổ chức giải “phủi” được đề cử ở giải Fair Play Những người từng là cầu thủ năng khiếu và đang làm việc ở VFF đam mê với giải “phủi” gồm nhà báo Dương Thanh Liên (báo Lao Động), cán bộ chuyên môn của VFF Trần Huy Đức cùng bạn bè đã nuôi dưỡng giải phong trào Hà thành có sức hút cao và ý nghĩa. Giải đấu “phủi” này được nhiều người thích thú và thậm chí là những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp ở VPF cũng phải thèm thuồng. Giải nằm trong tiêu chí của FIFA với việc dùng bóng đá để làm cho xã hội, cho người hâm mộ vui hơn, hạnh phúc hơn. Giải đến nay đã có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ và các sân “phủi” luôn đầy ắp khán giả, lại còn được truyền trực tiếp trên YouTube và được cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài chăm chú theo dõi. Chính vì tầm ảnh hưởng và tính cộng đồng đó mà những nhà tổ chức đã được đề cử vào giải Fair Play 2017. |