Giải thưởng Nobel Hóa học năm 2019 đã được trao cho ba nhà khoa học vì công trình nghiên cứu phát triển pin lithium-ion.
Trong buổi lễ diễn ra tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Ủy ban Nobel tuyên bố giải Nobel Hóa học năm 2019 thuộc về ba nhà khoa học: John B. Goodenough (quốc tịch Mỹ), M. Stanley Whittingham (quốc tịch Anh) và Akira Yoshino (quốc tịch Nhật Bản).
Ba nhà khoa học được giải Nobel Hóa học 2019. Ảnh: Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Tại buổi họp báo công bố giải thưởng danh giá này, nhà lý - hóa học Sara Snogerup Linse, Chủ tịch Ủy ban Nobel về Hóa học, nhấn mạnh loại pin lithium-ion mà ba nhà khoa học nghiên cứu phát triển giúp đưa thế giới "tiếp cận với một cuộc cách mạng công nghệ mới".
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học này từ thập niên 1970 đã giúp tạo ra được pin lithium-ion và được ứng dụng rộng rãi trên đủ thiết bị công nghệ hiện nay, từ điện thoại di động đến máy tính xách tay, xe điện và hệ thống tiếp thu ổn định các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.
Được biết pin lithium-ion (còn gọi là pin Li-ion) là loại pin được cấu tạo gồm các thành phần cơ bản là chất điện phân đóng vai trò như môi trường điện ly giữa hai cực âm và dương của pin. Phát minh quan trọng của ba nhà khoa học nói trên hiện nay rất quen thuộc với con người, đặc biệt phổ biến trong các thiết bị điện tử như điện thoại di động, xe hơi, các thiết bị giải trí, y tế, xe điện, hàng không...
Sơ đồ nguyên lý hoạt động của loại pin lithium-ion. Ảnh: CNN
Theo đó, ưu điểm lớn của pin lithium-ion là có thể sạc đi sạc lại nhiều lần, mật độ năng lượng lớn (kể cả trên kích thước pin nhỏ), ít bị tự xả (giữ năng lượng lâu), thân thiện môi trường hơn so với các công nghệ cũ. Pin lithium-ion do nhà khoa học Stanley Whittingham bắt đầu nghiên cứu từ năm 1970, lần đầu được giới thiệu với công chúng vào năm 1991.