“Hay là mình cứ yêu đi
Để xem thiên hạ nói gì đôi ta…”
Tôi nhận được trong ngăn bàn làm việc hai câu thơ trên kèm tấm ảnh khả ố của sếp với cái điệu bộ hóp má, nhăn mũi làm điệu.
Cầm món quà thậm vô duyên đó, tôi vừa xấu hổ vừa nổi giận, người cứ phừng phừng mà chân tay run rẩy, muốn tìm cái gì đó để đập phá. Giá cái bình bông hôm trước không bị vỡ, chắc bây giờ nó không thoát khỏi số phận bị nát thành nhiều mảnh.
Hắn nghĩ mình là ai chứ? Sao có kiểu trêu chọc nhân viên lố bịch như vậy. Tôi cố gắng nuốt nỗi căm hận ấy vào lòng, mặt cúi gằm vào máy tính vừa để che giấu nỗi bực mình vừa là tránh nhìn chăm chăm như diều hâu của anh ta ở bàn bên cạnh.
Phòng làm việc hơn 20 m2, ba nhân viên, máy lạnh chạy phà phà mà thấy ngột ngạt quá.
Đột nhiên điện thoại báo có tin nhắn “Anh tự sáng tạo ra cái thiệp ấy đấy, em thấy sao?”. Ngó sang thì gặp anh ta đang cầm điện thoại, mắt hấp háy, cái miệng tủm tà tủm tỉm, tôi đứng phắt dậy, bước tới, cố gắng đặt cái “sáng tạo” ấy lên bàn một cách nhẹ nhất có thể: “Anh đặt nhầm cái này vào bàn của em”.
Anh ta tỉnh bơ: “Đúng địa chỉ mà, ảnh gửi em đấy”, tôi cười khẩy: “Cảm ơn nhưng em không nhận” rồi bước về chỗ của mình. Mấy đứa trong phòng chả hiểu chuyện gì, cứ nhìn nhau dò hỏi.
Tưởng là từ giờ sẽ hết trò chai mặt, ai dè gần như ngay sau đó tôi nhận tin nhắn: “Thôi để ngày mai anh làm thơ hay hơn, thế nào em cũng vui”. Lần này cảm giác lo lắng, bất an đã bắt đầu xâm chiếm tôi. Tôi thấy đang nằm dưới quyền điều hành của một kẻ không ra gì.
Y như rằng, đầu giờ sáng hôm sau tôi lại thấy một tấm thiệp được buộc nơ cẩn thận đặt trong ngăn bàn làm việc. Cái gì mà mùi mẫn “Mới gặp nhau thôi đã mến rồi - Hình như kiếp trước đã là đôi - Em như cơn gió chiều thu lạ - Thả nhẹ neo lòng anh buông trôi…”. Thật vớ vẩn hết sức!
Tôi ngay lập tức phăm phăm tiến lên, ngờ đâu chưa kịp mở lời thì anh ta phủ đầu luôn, đập tay cái bộp xuống bàn rồi cao giọng: “Em vừa phải thôi! Anh… nặn cả đêm qua mới được bằng đấy câu thơ hay ho. Muốn trả lại hả? Ok! Vậy… tặng thêm cái thiệp thứ ba này”. Nói rồi anh ta chìa ra thêm một tấm bìa có nơ buộc nữa, ánh mắt tỏ vẻ chế giễu mới điên chứ.
Dù có chút giật mình vì sự hùng hổ ấy nhưng tôi kịp trấn tĩnh: “Ở đây là phòng làm việc, anh vui lòng đừng gây sự!”, “Ơ! Ai đang gây sự đây? Mọi người xem, cô ấy đang mắng sếp kìa!” - tên dê xồm ngay lập tức đổi trắng thay đen, lớn tiếng thanh minh với mấy đứa trong phòng, thực chất là đàn em của anh ta. Chúng nó hưởng ứng ngay, gật gù cái đầu, nói sếp đúng rồi và khuyên tôi bình tĩnh.
Đã dồn nhau vào chân tường thì không còn gì để mất, tôi hét lên: “Nếu anh làm vậy một lần nữa thì năm phút sau sẽ có cái đơn xin thôi việc trên bàn”.
Anh ta già mồm: “Viết đi, viết nhanh rồi nộp anh xem xét. Nhớ là phải đúng thể thức văn bản đấy, hiểu không? Phải là Đơn xin thôi việc, nhá” - anh ta nhấn mạnh cái chữ “xin”.
Tôi về bàn gõ đơn luôn. Làm ở đây ngày nào nữa là địa ngục ngày ấy.
Nhưng rốt cục thì tôi nghỉ việc không thành vì cuối giờ chiều, khi lũ “lâu la” về hết, anh ta đến chỗ tôi một mực đòi nói chuyện. Tôi từ chối mãi cũng mệt nên tặc lưỡi chấp nhận ra ngồi quán cà phê.
Tại đây “dê xồm” đột ngột thay đổi thái độ, xin lỗi tôi rất nghiêm túc và lý giải có thinh thích tôi nhưng thấy tôi lạnh nhạt, kiêu kỳ nên mới nghĩ ra cách tiếp cận kiểu khủng bố ở trên... Chúng tôi chính thức tìm hiểu nhau từ đó, tức hơn bốn năm trước.
Giờ thì kẻ khủng bố tinh thần ấy đã là cha của hai đứa con tôi. Chúng kháu khỉnh và giống cha như đúc, nhất là cái kiểu cười nhếch mép pha chút… đểu đểu.
Tối qua, trong lúc tôi tất bật thực hiện chức năng của mẹ hiền vợ đảm để mấy cha con đùa nhau trong phòng thì đột nhiên nghe thằng lớn hỏi cha: “Bà ngoại nói ngày xưa mẹ hổ báo lắm, sao ba lại lấy được mẹ?”. “Dê xồm” của tôi cười ha hả, đọc luôn mấy câu ngẫu hứng:
"Trăm năm trong cõi… người liều
Chữ “kiêu” cùng với chữ “xiêu” một vần”
Xong, vuốt vuốt mấy cọng râu lún phún dưới cằm, quay sang nhìn tôi âu yếm...