Nhìn tổng quan, tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp còn xảy ra nhiều ở ĐBSCL nhưng chủ yếu là người nghèo xây nhà tạm bợ. Cơ ngơi đồ sộ của ông sếp Sóc Trăng là rất hiếm có. Đất nông nghiệp đang bị thu hẹp do tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nay lại phải teo tóp vì những căn biệt thự của quan chức chăng? Nỗi oan của hàng ngàn mét đất nông nghiệp khiến người ta lo ngại về tính gương mẫu của những người đứng đầu, vì cái lợi bản thân mà bất chấp cả pháp luật.
Việc “phù phép” đất nông nghiệp thành đất ở đối với quan chức có lẽ không khó nhưng ngược lại với dân thì sẽ rất trần ai. Vậy mà cứ không lâu lại có một biệt thự, trang trại trái phép của ông nọ, ông kia xây trên đất rừng, đất chưa được phép xây dựng.
Mới đây, một vị lãnh đạo ban tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai cũng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, Đà Nẵng thì có đến 40 biệt thự trái phép ởSơn Trà (chỉ bị phạt... 40 triệu đồng), năm 2016 Bình Thuận cũng phát hiện một trang trại cà phê và tòa biệt thự trái phép giữa rừng phòng hộ… Chủ nhân các công trình này đều là người quyền cao, chức trọng mà do nể nang, quen biết chính quyền địa phương mắt nhắm mắt mở, xử lý hời hợt.
Sóc Trăng đang có tỉ lệ nghèo nhất vùng ĐBSCL. Nhiều hộ nông dân không có đất sản xuất, một số hộ đất đai nhỏ lẻ, năm qua lại bị thiên tai hạn mặn. Giữa vùng đất ấy lại mọc lên cái biệt thự tráng lệ thì đẹp cho ai?
Đất đai, nhà ở là bất động sản, tài sản hữu hình rất dễ nhìn thấy, thời gian xây dựng kéo dài nhưng cơ quan quản lý lại nói được một câu là chưa nghe, chưa thấy, chờ báo cáo…, thái độ thể hiện rõ sự e ngại trong xử lý.
“Hành vi” (vi phạm) trong luật khi xác định trách nhiệm phải bao gồm cả việc hành động và không hành động. Tức là biết mà không nói, làm được mà không làm và cả cố tình làm sai. Hy vọng Sóc Trăng sẽ xử lý vụ việc đến nơi đến chốn theo quy tắc xác định hành vi như trên để sớm giải oan cho đất nông nghiệp.