Giải nhì thể loại ca khúc thuộc về Mười bông hoa một con đường (Trần Long Ẩn), Đợi mưa (Bá Lân), Sài Gòn nhớ Hà Nội (Vũ Trung), Khúc dời đô (Duy Quang). 3 giải ba, gồm: Qua đàn Nam Giao (Việt Đức), Du ngoạn ngày xuân (Đinh Quang Hợp), Ngã ba chiều (Đỗ Hồng Quân) và 11 giải khuyến khích.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo nhận giải đặc biệt thể loại âm nhạc giao hưởng với Khai giác. Ảnh: T.S |
Thể loại ca khúc thiếu nhi còn không có cả giải nhì, chỉ có 4 tác phẩm được trao giải ba đó là: Thắp sáng giấc mơ hồng tuổi thần tiên (Cát Vận - Hà Nội), Đàn gảy tai trâu (Vũ Trọng Tường - Hà Nội), Chàng trai Gióng tuyệt vời (Thế Bảo - TP.HCM), Thật đúng - thật ngoan (Vũ Mạnh Cường - Hà Nội).
Thể loại giao hưởng có một giải nhất cho tác phẩm Trổ một (viết cho dàn nhạc giao hưởng) của Đỗ Hồng Quân), giải nhì thuộc về tác phẩm Ngọn lửa vĩnh cửu (giao hưởng 4 chương) của Lê Quang Vũ, giải đặc biệt dành cho tác phẩm Khai giác (hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng) của Nguyễn Thiện Đạo.
Thể loại âm nhạc thính phòng: giải nhất trao cho Tứ tấu Đàn dây số 2 (Trần Mạnh Hùng); không có giải nhì; 3 giải 3 với Lễ hội Cầu Ngư (hòa tấu dàn nhạc kèn) của Thế Bảo, Sonatine (viết cho violoncell và dàn nhạc) của Hoàng Dương, Đêm hoa đăng (tứ lấu gỗ và piano) của Nguyễn Hay.
Thể loại âm nhạc dân tộc với giải nhì thuộc về Concerto (viết cho sáo trúc và dàn nhạc giao hưởng) của Nguyễn Thiếu Hoa, giải ba thuộc về tác phẩm Giao hưởng thơ của Bùi Thiên Hoàng Quân.
Mục sách nghiên cứu lý luận có duy nhất giải ba cho tác phẩm Một số đặc trung cơ bản âm nhạc dân gian Jrai (Lê Xuân Hoan - Gia Lai). Ngoài ra, Hội còn trao giải cho giải nhất thể loại sách biên soạn, tư liệu, sưu tầm cho Từ điển tác giả âm nhạc phổ thông (Vũ Tự Lân) và giải nhất 20 bài báo của Trương Đình Quang cùng 2 tặng phẩm cho nhạc sĩ Phạm Tuyên và Hồ Bắc.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch của Hội nhạc sĩ VN:
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN. Ảnh: Hải Lê. |
Ông nghĩ sao khi những tác phẩm mà Hội nhạc sĩ Việt Nam chọn trao giải nhưng công chúng lại ít biết đến?
- Hội nhạc sĩ Việt Nam tồn tại đến nay là năm thứ 51 và những giải thưởng đã trao được đánh giá là có uy tín về chuyên môn. Sự hiện diện của các vị trong Ban giám khảo cũng như kết quả hàng năm khẳng định thành tựu âm nhạc sáng tạo của các thế hệ nhạc sĩ.
Giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam so với các sân chơi âm nhạc khác rõ ràng có sắc độ, mục tiêu, thậm chí đối tượng tham gia cũng khác nhau. Hội nhạc sĩ chúng tôi rất mong muốn làm sao công bố rộng rãi các tác phẩm đoạt giải, nhưng đúng là rất khó khăn vì điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ông có thể nói rõ hơn các yếu tố "làm khó" cho các nhạc phẩm được trao giải khi cần công bố rộng rãi...
- Một trong những lý do chúng ta đã viện dẫn rất nhiều lần là thiếu nguồn kinh phí dồi dào. Các tác phẩm khí nhạc đòi hỏi phải có dàn nhạc, người chỉ huy và tập luyện công phu mới trình diễn được.
Gần đây có nghị quyết 23 của Bộ Chính trị nói riêng về vấn đề thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Chúng tôi hi vọng với cơ chế chính sách cụ thể sẽ thúc đẩy khâu này tức là đưa được tác phẩm có giá trị âm nhạc thực sự đến với công chúng.
Bình thường ra lễ trao giải như hôm nay các tác phẩm âm nhạc phải được vang lên nhưng đáng tiếc Hội chỉ có trong tay tư liệu ở dạng băng ghi, CD. Chúng tôi tin rằng thời gian tới các tác phẩm sẽ được thực hiện hoàn chỉnh và hoành tráng hơn.
Là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông có nhận xét gì về một năm âm nhạc vừa qua?
- Tôi cho rằng nền âm nhạc của chúng ta phát triển rộng, phong phú và đa dạng, nhưng một mặt nào đó chúng ta đang đứng trước nguy cơ "mất chuẩn". Thứ hai, sự nghiệp dư hóa đang là một trong những mối đe dọa lớn. Tôi chỉ muốn nói rằng âm nhạc giống như biển khơi - hướng đi rộng của nó phải là công chúng và người làm nhạc phải luôn luôn biết và hướng tới điều đó.
Theo Sơn Hà (VNN)