Chủ tịch nước Trung Quốc cũng là mục tiêu theo dõi của NSA, theo Spiegel |
Theo Spiegel, tập tài liệu này do chính cựu nhân viên NSA Edward Snowden cung cấp, cho thấy chiến dịch tình báo nhắm vào Trung Quốc của chính phủ Mỹ có quy mô lớn, với mục tiêu là những nhân vật hoặc cơ quan trọng yếu như Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Bộ Thương mại, các ngân hàng và các công ty viễn thông.
Tuy nhiên Huawei là mục tiêu thu hút "nỗ lực theo dõi đặc biệt" của NSA. Với quy mô 150.000 nhân viên và doanh thu 38.6 tỷ USD hàng năm, Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn thứ hai thế giới. Từ đầu năm 2009, NSA đã bắt đầu một chiến dịch mở rộng mà trong nội bộ tổ chức này gọi là "Shotgiant" nhắm vào Huawei. Ngoài smartphone và máy tính bảng, Huawei còn sản xuất cơ sở hạ tầng di động, router WLAN và cáp quang - những công nghệ có tính chất quyết định trên mặt trận dữ liệu mà NSA quan tâm.
Một đơn vị đặc biệt của NSA đã xâm nhập thành công mạng lưới của Huawei và sao chép một danh sách hơn 1400 khách hàng, cùng nhiều tài liệu đào tạo kỹ sư nội bộ về cách sử dụng các sản phẩm của Huawei.
Trong một file thuyết trình tuyệt mật của NSA, các nhân viên của tổ chức này không những truy cập thành công kho dữ liệu email mà còn lấy được mã nguồn bí mật của từng sản phẩm Huawei sản xuất (Mã nguồn phần mềm vốn được coi là "chén thánh" của các công ty máy tính). Do Huawei điều hướng tất cả email do nhân viên gửi đi tới một văn phòng trung ương đặt tại Thẩm Quyến - nơi NSA đã xâm nhập được - nên người Mỹ có thể đọc được một số lượng khổng lồ các email nội bộ từ tháng 1/2009 trở lại đây. Trong số này có cả email do Tổng Giám đốc Ren Zhengfei và Chủ tịch Sun Yafang gửi đi.
"Chúng ta có thể tiếp cận dễ dàng và sở hữu khối lượng dữ liệu nhiều tới mức không biết phải làm gì với chúng", một tài liệu nội bộ của NSA viết. Để giải thích cho việc vì sao lại theo dõi Huawei, một tài liệu khác khẳng định "rất nhiều mục tiêu khác của chúng ta liên lạc thông qua sản phẩm do Huawei sản xuất, chúng ta phải đảm bảo rằng mình biết cách khai thác lỗ hổng trong những sản phảm này". NSA cũng bày tỏ sự lo ngại rằng "hạ tầng phổ cập của Huawei sẽ mang lại cho Trung Quốc ưu thế về tình báo tín hiệu, thuật ngữ chuyên môn gọi là SIGINT.
Chiến dịch này được tiến hành với sự liên đới của cả tình báo Nhà trắng lẫn FBI. Một tài liệu khác tuyên bố nguy cơ từ phía Huawei là "độc nhất".
Lo ngại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên Internet
NSA nhấn mạnh rằng việc hiểu được cách vận hành của Huawei sẽ mang lại trái ngọt trong tương lai. Trong quá khứ, việc kinh doanh hạ tầng mạng luôn do các công ty phương Tây thông trị, nhưng các tập đoàn Trung Quốc đã vươn lên rất nhanh, đẩy doanh nghiệp Mỹ và Tây Âu "ra rìa". Họ bắt đầu mở ra những chuẩn công nghệ mà từ lâu vẫn chỉ do phía Mỹ quyết định. Trung Quốc cũng đang kiểm soát lưu lượng thông tin ngày càng lớn trên mạng Internet.
Trong thông cáo phát đi ngay sau khi tài liệu của NSA bị rò rỉ, người phát ngôn của Huawei đã chỉ trích những biện pháp do thám này. "Nếu thông tin đó là chính xác, thì điều mỉa mai là họ đang làm đúng những gì mà họ luôn cáo buộc chính phủ Trung Quốc làm, thông qua chúng tôi". Và nếu "đúng là những chiến dịch theo dõi như vậy được tiến hành, họ sẽ biết là Huawei hoạt động hoàn toàn độc lập và không có bất cứ mối liên kết bất thường nào với Chính phủ. Những hiểu biết này cần được công bố công khai để chấm dứt tình trạng nghi ngờ vô căn cứ hiện nay".
Về phần mình, đại diện NSA cho biết không thể bình luận về những hoạt động thu thập thông tin cụ thể hoặc các chiến dịch tình báo liên quan đến các quốc gia cụ thể. "Nhưng tôi có thể đảm bảo rằng các hoạt động tình báo của chúng tôi tập trung vào nhu cầu an ninh quốc gia của nước Mỹ. Chúng tôi không cung cấp các thông tin tình báo mà mình thu thập được cho doanh nghiệp Mỹ để giúp họ tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế và cải thiện lợi nhuận".
Theo Y Lam (VNN)