Sau nhiều năm gần như chỉ diễn và sống bằng sự bảo trợ kinh phí của Nhà nước, Thị Hến là một vở kịch hiếm hoi làm bằng vốn xã hội hóa của Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội). Đây là lần thứ hai trong vòng chỉ hơn một tháng, nhà hát này liên tiếp Nam tiến để mở rộng thị trường khán giả.
Không để khán giả miền Nam quên mình
. Phóng viên: Chỉ mới hơn một tháng mà Nhà hát Tuổi Trẻ đã hai lần liên tiếp vào Nam, rất khác với trước đây phải một năm hay nhiều năm mới có một chuyến kịch Bắc vào Nam. Chị nói gì về sự khác biệt này, có phải lần Nam tiến này có kế hoạch từ trước hay do hiệu ứng tốt từ chuyến đi lần trước?
+ NSND Lê Khanh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ: Ban giám đốc nhà hát của chúng tôi đã có chủ trương và kế hoạch từ nay sẽ vào TP.HCM thường xuyên hơn, không để khán giả quên mình bởi TP.HCM là nơi có một nguồn khán giả đáng mơ ước để các sân khấu sáng đèn nhiều ngày hằng tuần, điều mà các sân khấu kịch phía Bắc đang học hỏi và mơ tới. Không chỉ là hai chuyến đi này, nhà hát sẽ còn nhiều chuyến vào Nam sau đấy nữa. Riêng với chuyến vào Nam hơn một tháng trước với kịch Lưu Quang Vũ, anh chị em nhà hát của chúng tôi đã có những suất diễn tuyệt vời, khán giả đón nhận nhiệt tình mà chúng tôi bảo là “Diễn ở Sài Gòn cho mình cảm giác thăng hoa”.
. Tại sao diễn tại Sài Gòn lại cho những nghệ sĩ phía Bắc như chị cảm giác thăng hoa?
+ Đời sống Sài Gòn sôi động, đời sống sân khấu cũng ngày càng sôi động hơn với lượng khán giả đến rạp thường xuyên, đông đảo tạo nên không khí rộn ràng tác động đến tâm lý nghệ sĩ khiến họ dễ có cảm hứng khi diễn, dễ thăng hoa cảm xúc.
NSND Lê Khanh cùng đoàn kịch đất Bắc lần này vào TP.HCM với nhiều tự tin về vở Thị Hến do chị làm đạo diễn.
. Ở sân khấu phía Bắc, thật hiếm hoi để có một vở kịch được làm theo phương thức xã hội hóa, vì sao chị dám làm điều đó với Thị Hến, lại còn đem vào Nam bán vé?
+ Là người phất ngọn cờ đầu xã hội hóa vở diễn này để các bạn khác đi theo, lúc đầu tôi thấy chẳng phải dễ dàng gì mà phải thuyết phục các bạn từ từ. Đây là một kịch bản chèo cổ thuộc hàng kinh điển nên vở diễn có rất nhiều đất diễn cho diễn viên lẫn đạo diễn để khai thác, sáng tạo, nâng cao nghề nghiệp, có cơ hội làm nên dấu ấn của riêng mình. Mới đầu tôi tính làm ngắn, làm nhỏ thôi nhưng càng làm càng thấy thích, càng thấy được nên mọi người cứ đắp da đắp thịt vào vở diễn dần dần, nhà hát thấy hiệu quả cũng ủng hộ ít nhiều. Giờ thì càng lúc chúng tôi càng tự tin với những kết quả không bị chê mà còn được khen để đem vào Nam bán vé.
Đau đáu truyền lửa nghề cho thế hệ trẻ
. Chị có tin rằng làng kịch phía Bắc sẽ xã hội hóa thành công, sẽ tìm được khán giả mua vé vào xem kịch thường xuyên như ở phía Nam với những nỗ lực như Nhà hát Tuổi trẻ đang làm?
+ Nói thật là rất khó vì khán giả Hà Nội đã mất thói quen mua vé xem kịch từ lâu, mưa gió một chút, lạnh một chút người ta cũng không ra khỏi nhà dù có là đi xem kịch bằng vé mời; và còn bởi bây giờ người ta có rất nhiều lựa chọn giải trí khác dễ dàng hơn. Nhưng sân khấu phía Bắc không thể trốn chạy thực tế, vẫn phải sống theo cách nào đó cho phù hợp với đời sống kinh tế xã hội bây giờ chứ không thể trông chờ hoài vào Nhà nước. Thế nên nhà hát chúng tôi vẫn kiên trì làm và quảng bá những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Chúng tôi đi tìm những người đồng hành cùng mình trên con đường duy trì, quảng bá và phát triển các giá trị của văn hóa nghệ thuật. Có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến văn hóa, nhiều quỹ văn hóa nước ngoài đã sẵn sàng đi cùng chúng tôi, hỗ trợ cho chúng tôi. Chúng tôi đã có những đêm diễn kịch Lưu Quang Vũ đầy ắp người xem, những chương trình sân khấu học đường rất được các em sinh viên-học sinh và các trường yêu thích, ủng hộ.
. Chị quan tâm gì nhất ở vị trí lãnh đạo một nhà hát lớn như Tuổi Trẻ?
+ Điều tôi trăn trở nhất cũng là hài lòng nhất đó là mình đang phụ trách việc đào tạo các diễn viên trẻ. Phải làm thế nào giữ được nhuệ khí làm nghề cho các em, tạo cho các em một vốn nghề vững chắc, tạo cơ hội cho các em phát triển. Tôi đang rất lo lắng, nếu làm không tốt sân khấu phía Bắc nói riêng sẽ không còn nguồn diễn viên trẻ nữa bởi các em không chọn nghề này để theo đuổi, mưu sinh do ít có cơ hội phát triển. Nhiều em học nghề không bao nhiêu, thời gian làm nghề ngắn quá đến mức không học được gì nhiều, không trau dồi được thì làm sao sân khấu có những nghệ sĩ thăng hoa. Tuổi trẻ của tôi đã được thừa hưởng những điều kiện làm nghề hết sức tốt đẹp, trách nhiệm và mong muốn của tôi bây giờ chỉ là làm sao giúp tuổi trẻ của các em cũng được như mình.
. Xin cảm ơn chị.
HÒA BÌNH thực hiện