NSƯT Trần Hạnh cuối đời vẫn truân chuyên

Sau nhiều cuộc điện thoại "truy kích", cuối cùng tôi cũng hẹn gặp được NSƯT Trần Hạnh, đúng vào một buổi sáng trời mưa nặng hạt bởi ảnh hưởng của cơn bão số một. Ông hẹn tôi ở một quán trà gần nhà, một cái "quán cóc" giản dị như bao quán nước ven đường của các ngõ nhỏ Hà thành.

NSƯT Trần Hạnh

Quán nước quen thuộc này là địa điểm ông thường hẹn mọi người, lúc thì để phỏng vấn, lúc lại ký hợp đồng đóng phim, có lúc, quán nước ấy thành nơi trung chuyển kịch bản cho ông, nếu ông không có mặt ở nhà. Ông giơ tay vẫy vẫy ra hiệu khi nhìn thấy tôi đang ngơ ngác tìm đường. Thoáng chốc, tôi không nhận ra ông trong bộ quần áo cũ đã sờn màu, cũng có thể do chiếc mũ lưỡi trai đã che kín hết khuôn mặt già nua, nhăn nhúm của ông sau ba tháng thuốc men vì bị gãy xương quai sanh vào một đêm khuya muộn đi đóng phim trở về nhà.

Nghệ sĩ Trần Hạnh luống cuống tìm chỗ ngồi cho tôi để không bị mưa hắt. Cái mái che nơi quán nhỏ không đủ rộng nên, nếu ông nhường chỗ cho tôi thì đồng nghĩa với việc ông sẽ là nguời làm bia… che mưa.

Trần Hạnh ngồi xuống và châm thuốc hút. Những điếu thuốc lá Thăng Long thả khói trên bàn tay gân guốc da mồi của ông. Giờ đây, tôi mới được tận mắt nhìn rõ khuôn mặt của người diễn viên già đã có hàng chục vai diễn trên màn ảnh nhỏ.

Những vai diễn đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc. Đó là vai Bí thư Đảng ủy trong phim "Làng Nổi", bố An trong phim "Chuyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong phim "Tướng về hưu", ông Khiển trong phim "Người cầu may", ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em", bố Lực trong phim "Cỏ lau", ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời", cụ đồ trong phim "Thời xa vắng", gần đây là vai ông bố trong phim "Người đàn bà thứ 2"…

Nhiều vai diễn của Trần Hạnh xuyên suốt cả bộ phim, nhiều vai diễn lại chẳng có tên, nhưng tất cả đã làm nên một cái tên Trần Hạnh của số đông, của sự bình dị, chân chất, có sức sống không chỉ trên sân khấu hay trên màn ảnh nhỏ mà trong cả đời thực cùng bà con lối xóm.

NSƯT Trần Hạnh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông từng có một tuổi thơ viên mãn trong vòng tay của cha mẹ: Cụ thân sinh ra ông làm việc tại nhà máy in Ngô Tử Hạ ở phố Nhà Thờ, còn mẹ ông là một thương gia nhỏ. Nhưng rồi, hạnh phúc chưa được bao lâu thì trong một cơn đau yếu, bố ông đã ra đi để lại vợ con côi cút. Lúc đó Trần Hạnh mới 8 tuổi. Ông đã phải sống tự lập rất sớm.

Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong Câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch Việt Nam như Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, NSƯT Phạm Bằng, NSND Trọng Khôi, NSƯT Đoàn Dũng…

Hồi đó, tham gia diễn kịch nghiệp dư, Trần Hạnh chỉ nghĩ rằng nó là sự vui vẻ tạm thời, nó như sự giải khuây trong chốc lát sau những giờ làm việc vất vả để được hòa mình vào một đời sống khác, một cảnh huống khác, một tâm trạng khác của cuộc đời vốn đa diện này. Nào ngờ, cái duyên nghiệp sân khấu đã ngấm vào ông. Hay cũng có thể nói, số phận đã chọn ông để vào vai những ông già nhà quê với gương mặt đầy nếp nhăn tuổi tác, sống như thể để nhận hết những khốn khổ của cuộc đời.

Trần Hạnh tâm sự: "Giá như chuyện đời suôn sẻ thì anh thợ đóng giày là tôi đây đã được an nhàn tuổi già chứ không còn phải theo các đoàn làm phim long đong nay đây mai đó. Biết làm sao khi trong tôi cái máu ham vui, ham văn nghệ đã ngấm tự bao giờ. Tôi lập gia đình khi mới ngoài 20 và dù đã vợ con bìu ríu nhưng không sao bỏ được những buổi "chơi" kịch cùng với ban kịch Thanh niên Hà Nội. Khi mọi người vào học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu thì tôi đành phải rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất là phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng.

Những năm tháng ấy là những ngày thần tiên trong đời tôi. Tôi đã học được tình yêu thiêng liêng với nghề nghiệp từ những giọt nước mắt của NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi cụ nhìn thấy phông màn nhà hát nhăn nheo; học được sự đam mê công việc từ câu thơ một người bạn nghề: Những ngày sân khấu không làm việc/ Nhà hát buồn như một nghĩa trang.

Khởi nghiệp bằng sân khấu kịch và đoạt giải thưởng trong một số Liên hoan sân khấu Toàn quốc nhưng Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình. Vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà ông tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời" của đạo diễn Tất Bình. Vai diễn này thành công bởi một lẽ, những cảnh huống trong phim rất gần với cuộc đời thực của Trần Hạnh.

Trần Hạnh trong phim Người đàn bà thứ hai.

Đó là câu chuyện kể về một người cha nghèo, vì nhà chật nên con trai của ông không lấy được vợ. Muốn xây nhà cho con, ông chỉ còn cách ngày ngày âm thầm đi lượm ve chai gom góp tiền để xây nhà cho con và ghi chép số tiền ấy vào một cuốn sổ. Nhưng rồi, mơ ước chưa được thực hiện thì ông Cần ốm và ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Kể đến đây, NSƯT Trần Hạnh tỏ ra ngậm ngùi: "Đôi khi tôi diễn mà thầm khóc ở trong lòng "phim giả mà tình thật", vai diễn ấy mang tâm tư của tôi, nó như cảnh đời mà tôi đã phải trải qua trong suốt mấy chục năm nay…".

Ngôi nhà hơn chục mét vuông của ông nằm trong khu Trần Quý Cáp chật chội, dột nát quanh năm với 9 nhân khẩu có lẽ còn tội nghiệp hơn cả ngôi nhà ông Cần có trong phim. Cũng may hồi năm ngoái, cô con gái đã giúp bố xây được căn nhà mới khang trang hơn trên nền đất cũ.

Tôi đang nghĩ, dường như, ông trời không phải bao giờ cũng công bằng. Con người hiền hậu chẳng to tiếng với ai bao giờ, gặp chuyện gì cũng chỉ cười trừ cho qua ấy, tuổi già lại không được an nhàn. Đã gần chục năm nay, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não.

Cộng với nỗi niềm về người con trai út sau một lần bị tai nạn ảnh hưởng đến thần kinh, cũng không được minh mẫn, mặc dù hiện nay anh đã hơn 40 tuổi, ngày ngày ông vẫn phải chăm sóc, bảo ban… Những lúc đi đóng phim, ông phải nhờ người con gái ở gần nhà chăm sóc mẹ và em. Ông nói giọng như tủi hờn: "Anh em "kiến giả nhất phận", "con chăm cha không bằng bà chăm ông", trong nhà mình là người khỏe nhất thì phải chăm người yếu hơn thôi".

Có lẽ hiểu được tình cảnh đó, mà sau khi bộ phim được phát sóng, tác giả kịch bản bộ phim ấy có gửi một bức thư cho đoàn. Ngoài việc cảm ơn đoàn làm phim đã hoàn thành đúng ý tưởng của người viết, tác giả còn gửi thêm 500.000 đồng tặng riêng cho "ông Cần".

Có lẽ, ít ai sống và đam mê nghề diễn như Trần Hạnh. Ở tuổi 75, ông vẫn đi xe máy đến các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… cùng các đoàn làm phim. Ông thường được các đạo diễn, dù già hay trẻ, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư (thậm chí là sinh viên làm bài tốt nghiệp giữa kỳ) tín nhiệm mời vào vai. Bởi vì hơn ai hết, Trần Hạnh là người có lòng tự trọng với nghề. Nếu như thói quen của các diễn viên là hỏi tiền cátsê trước khi diễn thì Trần Hạnh ngược lại, ông chỉ biết đọc kịch bản, diễn và rất hiếm khi ông hỏi đến chuyện tiền nong. Xong vai diễn, các đạo diễn đưa tiền, ông nhận, rồi lại phóng xe máy trở về căn nhà nhỏ của mình.

Trần Hạnh tâm sự rằng, ông đi diễn một phần vì phải kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng phần cơ bản là vì ông yêu nghề. Mấy tháng bị gãy tay, phải từ chối vài lời mời của các đạo diễn, ông thấy buồn lắm. Ông bảo: "Nếu mà năm nay chỉ 60 là tôi sẵn sàng vác cái tay gãy đi đóng phim đấy!".

Khi chưa gặp NSƯT Trần Hạnh, tôi cứ đinh ninh rằng, ông chỉ "khổ trên phim" mà thôi. Bởi vì dẫu diễn xuất của ông trầm, ít lời, bi hài, thiên về biểu hiện nội tâm qua ánh mắt lúc đau đáu, sửng sốt, lúc thất thần vô vọng, lúc nhẫn nhục cam chịu… thì vẫn chỉ là… diễn. Ai ngờ, những nhân vật trên phim đã ám ảnh vào cuộc đời ông như định mệnh.

Nhìn đôi giày da cũ ông đã đi sờn cả mép, những đường khâu đã bắt đầu đứt chỉ, tôi hỏi: "Đôi giày này chắc là bác tự khâu cho mình?". Ông lắc đầu: "Không, đôi giày này, ông hàng xóm vứt đi nhưng tôi thấy còn tốt, tôi xin ông ấy. Thế mà cũng đi được mấy phim rồi đấy!".

Ông nói xong rồi châm thuốc hút, bao thuốc lá Thăng Long ông mở ra từ lúc tôi đến gặp ông mà chỉ một tiếng sau đã hết nhẵn vì ông đốt liên tục điếu này gối đầu điếu khác mà không để cho lửa tắt trên tay mình. Tôi lại hỏi ông: "Bác hút nhiều thế này, nên mua thuốc đắt tiền hơn, ít chất nicotine hơn, đỡ hại phổi". Ông cười nhăn đuôi mắt: "Thuốc này thế là đã đắt hơn đấy. Dạo xưa mua sỉ chỉ có một nghìn tám, giờ lên đến ba nghìn đồng rồi".

Mặc dù trời chưa tạnh hẳn, nhưng đã đến giờ ông nấu cơm cho vợ. Tôi không dám giữ ông lại, chỉ kịp mua của chị bán nước chè bao thuốc lá Vinataba để vào giỏ xe đạp mini của ông. Cái tay gãy chưa lành hẳn khiến ông lên xe khá vất vả. Tôi lặng ngồi nhìn theo dáng điệu gầy gò của nghệ sĩ Trần Hạnh khuất dần sau con ngõ...

Theo Văn Nghệ Công An

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới