Ở cuối tiếng cười là nước mắt: Chỉ còn trong ký ức

Người được xem là ông tổ của cách ca có làn hơi "ự, ự" độc đáo đi vào huyền thoại sân khấu với bản vọng cổ hài của soạn giả Viễn Châu chính là nghệ sĩ Văn Hường. Năm nay, ông đã 78 tuổi, vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên sân khấu các quán hát với nhau. Khán giả vẫn trầm trồ khi nghe ông ca những bài: Tư Ếch đi Sài Gòn, Vợ tôi tôi sợ…

Ở cuối tiếng cười là nước mắt: Chỉ còn trong ký ức ảnh 1
Nghệ sĩ Mỵ Lan và NSND Lệ Thủy trong chương trình văn nghệ tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM

Trông từng suất hát

Về già, ông cũng không tránh khỏi những căn bệnh thấp khớp, tim mạch. Làn hơi không còn vang sáng như xưa, độ rung của hai chữ "ự ự" không còn điệu nghệ nhưng hễ nhắc đến nghề là ông sáng bừng đôi mắt. Ông tâm sự: "Bây giờ, tôi trông từng suất hát được mời. Thỉnh thoảng, đám bạn ở đoàn Kim Chung ngày xưa kéo đến nhà uống vài chai bia, rồi đờn ca tới sáng. Tôi cám cảnh phận đời nghệ sĩ hẩm hiu, khó tránh khỏi sự túng quẫn khi tuổi về chiều, thấy sức khỏe cứ hao dần như ngọn đèn dầu sắp lụn".

Cách đây hai năm, một bầu sô có mời ông sang Mỹ diễn, bà con kiều bào đến ủng hộ rất đông. Nhưng rồi do sức khỏe yếu khiến ông không chịu được khí hậu mùa đông lạnh giá của nước Mỹ. Bầu sô không hài lòng, vài điểm diễn bị hủy. Ông buồn: "Biết sao bây giờ, lớn tuổi rồi, cổ họng không thể mở ra để ca khi trời quá lạnh. Tôi phải xin lỗi bà con mình ở một điểm diễn mà tôi không thể hát!".

Đàn em của nghệ sĩ Văn Hường là Hề Sa. Hiện nay, nghệ sĩ Hề Sa tương đối sống an nhàn với nghề nhưng ông vẫn không tránh được những căn bệnh của tuổi gần 70. "Tôi cũng như anh Văn Hường, bây giờ chỉ ca quán, lâu rồi thèm được đứng trong một vở tuồng, được hóa thân vào nhân vật để khóc cười, để mang lại sự sảng khoái cho khán giả. Nhưng với một nghệ sĩ hài biết ca vọng cổ, khi không còn diễn hài, tôi sống bằng nghề ca. Tôi mang ơn thầy Bảy Viễn Châu, ông đã viết cho tôi nhiều bài ca cổ hài để ca kiếm tiền nuôi sống gia đình".

Hề An Danh, Hoàng Vân của đoàn Kim Chung ngày trước giờ đã rời xa sân khấu. Cả hai chỉ xuất hiện khi NSND Lệ Thủy tổ chức những suất diễn từ thiện. Hề An Danh nói: "Không có nỗi buồn nào lớn hơn đối với nghệ sĩ là phải rời xa ánh đèn sân khấu, không còn nghe tiếng cười của khán giả. Nhưng quy luật không thể tránh khỏi, tre có tàn măng mới mọc, hơn nữa khi chúng tôi không còn đứng trên sân khấu, khán giả vẫn nhớ đến chúng tôi với những lời khen ngợi thì đó là một niềm hạnh phúc rất lớn".

Mơ được diễn

Nghệ sĩ Mai Lan là một cô đào lẳng nổi danh trước năm 1975. Bà có đôi bàn tay hóa trang khéo léo đến nỗi chỉ trong vài phút đã có thể biến hóa một gương mặt bình thường trở nên lộng lẫy trên sàn diễn. Mỗi đêm, dưới ánh đèn sân khấu, bà vào các vai diễn lẳng độc, lẳng hài khiến khán giả nồng nhiệt tán thưởng, đào kép chánh còn phải ganh tị. Nhắc đến bà, khán giả nhớ ngay đến vai bà cả trong vở Lan và Điệp (mẹ của Thúy Liễu).

Nghệ sĩ Mai Lan đi hát từ trước năm 1975 nhưng rồi bỏ ngang theo chồng, đến sau năm 1975 mới đi diễn lại. Từ đoàn kịch nói Kim Cương qua đoàn Văn Công TP HCM, bà lui về phía sau đóng những vai dàn bao, hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ. Rồi căn bệnh quái ác khiến bà bị hư một mắt, không thể đóng đào lẳng đẹp, bà chuyển sang đóng vai mụ ác, mụ độc. Đến vài năm gần đây, chứng bệnh thấp khớp đã khiến bà không thể đi đứng bình thường.

Di chuyển trên chiếc xe với những bánh lăn ngày càng chậm chạp, nghệ sĩ Mai Lan tâm sự: "Có lúc tôi đã viết đơn xin về tá túc ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM. Nhưng con gái tôi cản vì cháu không muốn rời xa tôi. Tôi nhớ nghề lắm, cứ muốn được gần gũi các đồng nghiệp để được nghe lời ca tiếng đờn. Tôi chỉ còn có thể nhớ các vai diễn và chép vào một quyển sổ những lời thoại, câu ca để khi buồn thì mở ra mà đọc, mà hát một mình".

Tương tự nghệ sĩ Mai Lan, những ai đến Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP đều muốn gặp nghệ sĩ Mỵ Lan, một cô đào trứ danh với các vai mùi, sau đó chuyển sang diễn đào tính cách, mang lại tiếng cười không thua gì những danh hài thượng thặng. Hiện nay, nghệ sĩ Mỵ Lan sống một mình và được nhận vào Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP hơn 10 năm nay. NSND Lệ Thủy kể: "Hồi tôi ở gánh hát Trâm Vàng, chị Mỵ Lan làm đào chánh, hát cặp với nghệ sĩ Hùng Minh. Gặp lại chị, tôi thấy xúc động dâng trào. Giọng ca và nét duyên dáng vẫn còn mà phải rời xa sân khấu bởi đôi chân chị đã yếu do bệnh thấp khớp nặng, thật là thương tâm!".

Nghệ sĩ Mỵ Lan không gặp hạnh phúc trong cuộc hôn nhân, bà sống đơn độc nhiều năm cho đến khi tìm về mái ấm chung của các nghệ sĩ lão thành ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM. Trong gian phòng nhỏ ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ, nghệ sĩ Mỵ Lan treo nhiều bức ảnh đã ngả màu thời gian, kể cả những quyển tuồng vàng úa mà tên Mỵ Lan được viết trang trọng với các vai hài, mang lại tiếng cười duyên dáng, dí dỏm một thời. Bà nói trong nước mắt: "Tôi mong có một suất hát để diễn trên sân khấu như cách đây 30 năm. Ước mơ này đi vào giấc ngủ và mách bảo rằng sẽ có một ngày tôi được toại nguyện".

Sợ viết hồi ký

Khi hỏi các danh hài sao không ai viết hồi ký để lưu lại cho đời sau những chặng đường chông gai đưa họ đến vinh quang trong nghề, ai nấy đều lắc đầu. Danh hài Tùng Lâm nói: "Viết lại những chuyện phía sau màn nhung sợ khán giả sẽ không còn thương chúng tôi. Hầu hết khi sống trên bạc tiền, danh vọng, một số nghệ sĩ đã quá bê tha, hư hỏng, khó tránh khỏi những điều không hay khiến khán giả sẽ không dễ tha thứ. Như tôi chẳng hạn, có ai nghĩ gần cuối đời lại có lúc dính vào một chuyện suýt phải ngồi tù. Nay thì mọi chuyện đã qua, nhìn lại đời mình gắn với tiếng cười đã là một niềm hạnh phúc".

Theo Thanh Hiệp (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm