Chùm hài kịch gồm bốn tiểu phẩm được dàn dựng bởi NSND Lê Hùng, dựa trên kịch bản của tác giả Đinh Tiến Dũng (còn được biết đến với tên gọi Cù Trọng Xoay). Nội dung các tiểu phẩm là những câu chuyện cười ra nước mắt, cười để mà ngẫm về những oái oăm, xô bồ có lúc khó tin nhưng vẫn xảy ra trong cuộc sống thường ngày.
Tiểu phẩm ngắn đề dẫn mở đầu đêm diễn là câu chuyện về một cậu con trai yêu ai cũng bị cha cấm vì toàn yêu phải chị hoặc em cùng cha khác mẹ của mình bị rơi rớt đâu đó. Người mẹ khi nghe con trai kể lại chuyện này, sau cú sốc ban đầu cũng bật ra được tiếng cười và khuyên con cứ yêu thoải mái (vì thực ra cậu cũng không phải là con đẻ của cha mình hiện tại).
Nghệ sĩ Công Lý (giữa) trong tiểu phẩm Người giàu cũng khó.
Bốn tiểu phẩm tiếp theo của chùm hài kịch lần lượt là: Hội người khôn, Người giàu cũng khó, Phòng tìm duyên, Mày là bố tao. Khi xem những tiểu phẩm này, khán giả dễ dàng bắt gặp trong đó những câu chuyện có thật trong cuộc sống hoặc thấp thoáng đâu đó là những vấn đề thời sự, những nhân vật đang được chú ý trong thời gian qua.
Có tiểu phẩm là câu chuyện thực phẩm bẩn mà người làm ra nó không dám tiêu thụ thực phẩm của chính mình. Tiểu phẩm khác lại là câu chuyện một người đàn ông cao tuổi vẫn bắt đầu tình yêu với một cô gái còn rất trẻ, hay chuyện về người nghèo bỗng dưng giàu lên vì “chẳng may bán được đất”, rồi chuyện bỏ tiền mua tước hiệu công chúa ở một đất nước xa xăm …
Có thể thấy trong chùm hài kịch này, Nhà hát kịch Hà Nội đã mở rộng không gian rất nhiều cho các diễn viên trẻ. Ngoài năng lượng diễn dồi dào, đây cũng là dàn diễn viên tạo ra sự tươi mới cho nội dung các tiểu phẩm. Chùm hài kịch “Oái oăm đời” đủ sức làm liều thuốc thư giãn cho công chúng để vừa xem, vừa cười lại vừa ngẫm nghĩ về chuyện đời.