Ngày 13-4, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến đóng góp lần cuối. Một điểm mới rõ ràng của dự thảo này là xác định rõ ràng chuẩn đầu ra của chương trình qua "chân dung học sinh mới" với sáu phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi, từ đó đưa ra nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá để đảm bảo được chuẩn đầu ra như vậy.
Trong bài này chúng tôi sẽ không phân tích thêm về chuẩn đầu ra mà chỉ xin được bàn về ba thành tố sau.
Bậc tiểu học: Quá tham vọng!
Về nội dung chương trình, đã có sự xuất hiện của nhiều môn học mới và nhiều môn học tích hợp như Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Khoa học máy tính, Thiết kế và công nghệ, Hướng nghiệp, Chuyên đề học tập… thay thế cho những môn học riêng biệt. Nhìn sơ lược, có vẻ số môn học đã được giảm xuống đáng kể (hay được tự chọn như ở lớp 11, 12). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chương trình như vậy vẫn là quá ôm đồm, quá tham vọng, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Vì trong chương trình tổng thể chưa trình bày mức độ yêu cầu của các môn học như Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ, Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên chúng ta chưa thể bàn ở đây. Nhưng nếu chỉ riêng về số lượng môn học như thế (bên cạnh các môn truyền thống như toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật) thì quả là quá ôm đồm so với sức tiếp thu của học sinh và mục tiêu của giáo dục tiểu học.
Môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo chưa rõ là sẽ có nội dung thế nào, triển khai giảng dạy ra sao nhưng chúng tôi cho rằng mọi hoạt động sáng tạo phải dựa trên những nền tảng kiến thức của môn học, những kiến thức liên môn và xuyên môn, do đó nên là thành phần trong các môn học khác thay vì đứng riêng thành một môn. Hơn nữa chính những hoạt động trải nghiệm sáng tạo đó sẽ tác động ngược trở lại, giúp cho học sinh hiểu môn học tốt hơn, yêu thích môn học hơn.
Bậc THPT: Phân ban lần nữa
Trong dự thảo chương trình lớp 10 được thiết kế là lớp dự hướng nghề nghiệp, thế thì cũng phải xác định rất rõ mục tiêu, mức độ kiến thức của từng môn học với trọng tâm là giới thiệu môn học và các kiến thức nền tảng nhất mà thôi, nếu không lớp 10 sẽ là lớp học nặng nhất trong chương trình.
Việc phân hóa chương trình học bằng các môn tự chọn ở lớp 11, 12 có thể coi là công cuộc cải cách phân ban lần nữa. Và lần này còn phức tạp hơn, vì với 12 môn tự chọn, sẽ có đến gần 500 tổ hợp để lựa chọn (chắc sẽ có những ràng buộc, giới hạn nào đó nhưng một điều hiển nhiên là sẽ có rất nhiều tổ hợp môn). Vì thế sẽ tạo ra một áp lực rất lớn cho các trường trong công tác tổ chức và thực hiện, trước hết là ở các khâu nhân sự và nguồn ngân sách. Ở các nước phát triển việc duy trì các lớp ít học sinh, thậm chí các lớp một học sinh vẫn thực hiện được nhưng trong điều kiện nước ta là khó khả thi.
Một điểm quan trọng mà chúng tôi muốn bàn đến, đó là khâu đánh giá kết quả giáo dục.
Trong dự thảo chương trình, phần này được trình bày khá sơ sài, chủ yếu nói về cấp đánh giá: đánh giá thường xuyên ở trường lớp, đánh giá định kỳ ở cấp cơ sở giáo dục và đánh giá diện rộng ở cấp quốc gia, địa phương mà chưa đề cập đến phương thức, nội dung đánh giá. Chúng ta nói đến sáu phẩm chất, 10 năng lực cốt lõi nhưng chưa đưa ra những thước đo, những hình thức đánh giá phù hợp. Đã đưa ra được chuẩn đầu ra mà vẫn sử dụng các thước đo cũ (ví dụ vẫn sử dụng kỳ thi THPT quốc gia) chúng ta sẽ không có cách nào đánh giá được kết quả và chất lượng giáo dục và như thế có thể sẽ không đạt được mục tiêu đổi mới. Đơn giản là vì không tạo được động cơ cho đổi mới. Và quay trở lại với các cấp đánh giá, chúng tôi cho rằng dự thảo chương trình đã quên một cấp đánh giá rất hiệu quả khác, đó là các kỳ thi có tính độc lập như IELTS, TOEFL, SAT, các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học Việt Nam, các buổi phỏng vấn học bổng… Chắc chắn với sự độc lập và rõ ràng về mục tiêu, các đánh giá này sẽ rất khách quan và đáng tin cậy.
Chúng tôi chủ đích không bàn nhiều về vấn đề phương pháp giáo dục, vì suy cho cùng, dù khó khăn nhưng đổi mới phương pháp giáo dục sẽ luôn khả thi nếu như ta đã xác định được các thành tố quan trọng trong mắt xích chương trình: Mục tiêu giáo dục - chuẩn đầu ra - nội dung và phương pháp đánh giá kết quả. Điều quan trọng nhất luôn là tạo ra động cơ, áp lực phải đổi mới.
TS Trần Nam Dũng sinh năm 1966, từng giành huy chương bạc trong Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 1983 tại Paris. Sau THPT, ông học và nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Lomonosov (Nga). Hiện nay ông đang công tác tại khoa Toán-Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM và tham gia giảng dạy, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ học sinh giỏi toán. |