Cứ mỗi chiều xuống, người dân quê ở ấp Phú Điền, xã Song Phú (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) thường thấy bóng dáng một ông già với mái tóc bạc trắng đi thăm tượng đài chiến thắng Rạch Thủ Cù. Người ta hay gọi ông với cái tên đậm chất Nam bộ là Ba Tây.
Ông Ba Tây tên thật là Hồ Tây, người dành cả tuổi trẻ ôm máy quay dọc dài theo các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc. Nghiệp phóng viên chiến trường đã đưa ông Ba Tây đến với hầu hết những trận đánh lịch sử của rất nhiều cuộc chiến.
Học trò cưng của đạo diễn Khương Mễ
Ông Ba Tây sinh ra và lớn lên ngay chính quê hương Thủ Cù. Năm 18 tuổi, ông sang học ở Mỹ Tho nhưng chỉ tròn một năm sau đó ông đã bỏ ngang việc học, đi theo phong trào học sinh, sinh viên vào bưng điền chiến đấu.
Ở chiến khu Tháp Mười, ông được phân công làm ở phòng tuyên truyền. Cái duyên đến với nghề phóng viên chiến trường của ông Ba Tây là nhờ tính cách nhanh lẹ, ông được đạo diễn Khương Mễ nhận làm trò cưng.
Ban đầu, tổ nhiếp ảnh, điện ảnh Khu 8 (thuộc Bộ Tư lệnh Khu 8 Nam bộ) của ông Ba Tây chỉ ngót nghét bốn người, mãi đến năm 1952 mới tăng lên 30 người. Thời gian đầu thành lập, ai cũng phải đối diện với biết bao khổ cực vì vùng đất khắc nghiệt Tháp Mười. Đã có không ít người chịu không nổi đã phải tìm cách quay trở ra thành thị sinh sống.
“Hồi đó nhóm tôi hăng lắm. Đã nhận nhiệm vụ là phải làm cho bằng được, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, bất chấp phải xông lên phía trước, có thể hy sinh tính mạng. Một điều quan trọng nữa là khi mình có mặt, anh em họ đánh ngon lắm!” - ông Ba Tây hào hứng kể.
Năm 1952 khi Khu 8 giải tán, ông cùng đồng đội rời Tháp Mười ngược lên miền Đông trong tình hình chiến sự đầy gay go. Năm 1955 ông tập kết ra Bắc, được một năm thì được lệnh về miền Nam phục vụ.
“Trở về Nam, tôi tiếp tục ôm máy lao vào trận đánh đường 13. Trận này vô cùng ác liệt, vừa vác máy ra quay được hai, ba đoạn phim là pháo và máy bay địch đã quần thảo trên đầu. Những năm này, có khi ra trận 20 phóng viên thì về chỉ còn lại vài người.
Nhưng khi ấy chúng tôi đều lấy sự nguy hiểm của nghề làm vinh quang, hạnh phúc. Có ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử mới minh chứng được cho sự ngoan cường của dân tộc, mới phơi bày được sự thật của chiến tranh” - ông bồi hồi kể chuyện nghề.
Ở tuổi 86, ông Ba Tây vẫn miệt mài tìm lại những bức ảnh tư liệu quý. Ảnh: N.KIM
Cùng đặt nền tảng cho điện ảnh Việt Nam
Tổ nhiếp ảnh, điện ảnh Khu 8 (thuộc Bộ Tư lệnh Khu 8 Nam bộ) ra đời cũng là nền móng khai sinh cho ngành điện ảnh Việt Nam ngày nay. Nhờ có thiết bị, máy móc đầy đủ nhất nên đây cũng là chiếc nôi sản sinh ra không ít thước phim chân thật mang tính lịch sử quan trọng trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập của dân tộc.
Cũng chính vì lý do này, ông Ba Tây cùng đồng đội luôn có mặt hầu như khắp các chiến trường từ Nam chí Bắc. Từ đó cho ra đời, lưu truyền đến tận ngày nay hàng loạt tác phẩm tư liệu quý như Chiến thắng Mộc Hóa, La Bang, Cầu Kè, Đồng Xoài rực lửa, Du kích Củ Chi, Đại hội Đảng lần thứ 2…
Sau ngày đất nước thống nhất, tổ nhiếp ảnh, điện ảnh Khu 8 chỉ còn lại tám người. Ông Ba Tây may mắn là một trong những người ít ỏi được cử sang Ba Lan học về phim màu. Về nước, ông tiếp tục cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà, đứng ra đào tạo rất nhiều thế hệ sau. Ông còn tham gia thành lập Hãng phim Tổng hợp và cũng chính nơi này đã sản sinh ra những tác phẩm điện ảnh để đời như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Tiến về Tháp Mười, Qua vùng nước nổi…
Đi tứ phương rồi cũng quay về lại mảnh đất Thủ Cù thân thương máu thịt. Hiện giờ ông Ba Tây vẫn miệt mài trên những chuyến xe đò ngược xuôi lần về chốn cũ, tìm gặp từng nhân chứng để cùng họ tâm sự chuyện xưa, thuyết phục xin lại từng tấm ảnh của chính mình ngày đó. Ngoài ra, ông còn nhiệt tình tham gia làm cố vấn cho những bộ phim về lịch sử.
Cầm trên tay những bức ảnh về từng cuộc chiến vô giá, ông Ba Tây cho biết nó sẽ được cống hiến cho Viện Nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung ương để làm tài sản quốc gia. Riêng cuộc đời ông cũng chính là những thước phim tư liệu sống động, chân thực về sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh.
Cách đây vài tháng, người đồng đội cuối cùng của ông Ba Tây ở tổ nhiếp ảnh, điện ảnh Khu 8 là ông An Như Sơn đã qua đời. “Tôi lo lắm! Nếu lỡ có mệnh hệ gì thì thế hệ sau sẽ rất khó khăn trong việc đi sưu tầm lại tư liệu cũ. Còn sống được ngày nào, mình phải tiếp tục đi tìm lại những mảnh ghép không thể thiếu của bức tranh lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc” - ông Ba Tây tâm sự.
Gia đình gương mẫu ở địa phương Gia đình ông Ba Tây là một gia đình gương mẫu, có truyền thống cách mạng ở địa phương nhiều đời nay. Ông đã cống hiến cho Bảo tàng Quân đội rất nhiều tư liệu quý. Bây giờ dù tuổi cao nhưng ông vẫn tự bỏ tiền túi để dựng tượng đài chiến thắng Rạch Thủ Cù, cất công đi sưu tầm ảnh quý để làm tư liệu cho thế hệ mai sau. Ông PHAN THÀNH TRUNG, Chủ tịch UBND xã Song Phú, huyện Tam Bình |