‘Ông Hải máy bay’ được nước bạn vinh danh

Khi đến xưởng cơ khí của ông Hải, Trung tướng Narit đề nghị mua hai chiếc máy trồng mì do ông sản xuất và mời ông sang Campuchia giúp chuyển giao công nghệ cơ giới hóa trồng mì. Sau buổi nói chuyện thân tình, ông Hải đồng ý sang Campuchia giúp bạn.

Sửa được mới lấy tiền

Đó là một mối duyên bất ngờ. Từ năm 2003, ông Hải, một nông dân thứ thiệt, vang danh với sự kiện tự chế tạo máy bay. Từ đó nhiều người, nhiều đơn vị trong và ngoài nước đã tìm đến xưởng cơ khí Quốc Hải nằm ở xã vùng biên heo hút của tỉnh Tây Ninh để được gặp “ông Hải máy bay”. Tiếp đó, những sáng chế về máy nông nghiệp của ông ra đời tới đâu bán hết tới đó. Ông nghiên cứu chế tạo thành công máy trồng mì “4 trong 1”. Chiếc máy này có thể thay thế vài chục công nhân làm tất cả công đoạn chặt hom, rải hom, ép hom, lấp hom với công suất cả chục hecta/ngày. Riêng Lào và Campuchia, mỗi năm ông Hải xuất bán sang hai nước láng giềng này hàng trăm chiếc máy, giá mỗi chiếc từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng. Từ đó, tướng Narit biết tới ông và tìm đến.

Hai chiếc máy trồng mì sau đó được đưa sang Campuchia để thực nghiệm canh tác trên 100 ha đất thuộc quản lý của Lữ đoàn 70. Ông Hải được bố trí phòng riêng tiện nghi, được giao một xe Hyundai đi tham quan trong đơn vị. Trong một lần đi tham quan, ông Hải thấy có nhiều chiếc xe bọc thép sản xuất từ thời Liên Xô bị hư hỏng. Người ta cho biết đã có một số kỹ sư nước ngoài đến xem nhưng đều kết luận không sửa được. Ông Hải xin sửa vì mê xe tăng từ nhỏ và từ lâu đã tìm tài liệu nghiên cứu các loại xe này. Đơn vị chần chừ, ông Hải đưa ra điều kiện rằng ông sẽ bỏ tiền túi ra sửa, nếu sửa được mới lấy tiền. Tư lệnh lữ đoàn gật đầu đồng ý.

Phương án ông Hải đưa ra: Cải tiến động cơ cũ bằng động cơ chạy dầu diesel hiện đại. Ông Hải về nước cùng con trai tìm mua loại động cơ phù hợp, đưa sang cải tiến thử nghiệm hai chiếc đầu tiên với chi phí 25.000 USD. Hai cha con mất 12 ngày để sửa thiết kế, lắp động cơ, làm hệ thống điện. Sau đó, ông Hải giúp cải tiến nhiều tính năng của xe như tác chiến linh động hơn, xe tiêu hao nhiên liệu rất ít. Buổi chạy thử thành công. Ông Hải được giao kinh phí để sửa chữa và cải tiến chín chiếc xe còn lại.

Hai cha con ông Hải và Trung tướng Soy Narit bên xe bọc thép. Ảnh: TL

Không qua trường lớp nào cả

Khi làm việc ở Campuchia, một lãnh đạo hỏi ông: “Anh Hải tốt nghiệp trường quân sự nào?”. Ông Hải trả lời: “Tôi không tốt nghiệp trường nào cả, tôi tự mày mò mà làm thôi”.

Ông Trần Văn Thu (89 tuổi, cha ông Hải) những ngày qua rất vui vì nhiều người đến thăm, chúc mừng. Ông cho biết: “Từ nhỏ nó đã rất ham học hỏi và mê máy móc. Lúc năm tuổi, nó đã giấu chiếc radio vào phòng để nghịch, không ngờ bấm phải nút mở, không tắt được tiếng phát thanh nên dìm luôn vào thùng nước để… phi tang. Lúc đó, chiếc radio có giá mấy cây vàng, bằng cả gia tài”. Nhưng ông Thu không đánh mắng con mà dạy rằng: Muốn biết phải tìm hiểu, học hỏi.

Lớn lên một chút, Hải mày mò vặn mở hết các loại máy cày, máy xới của gia đình ra để xem động cơ. Nếu máy hư thì ông Thu gọi công nhân đến sửa chứ không mắng con. Đến khi Hải đòi đi xem xe tăng, ông Thu cũng chiều con, đưa con đi ngắm xe tăng. Sau đó, Hải tìm đọc các tài liệu về thiết kế xe tăng, xe bọc thép. Nhưng chính ông Hải cũng không ngờ đã được bắt tay vào làm chiếc xe bọc thép.

Ông Hải cho rằng mình may mắn được sống trong gia đình ủng hộ làm khoa học công nghệ với tư tưởng thoải mái như vậy từ thuở nhỏ. Cuộc sống của gia đình ông khá thoải mái với đồn điền cao su bạt ngàn gần trăm hecta, xưởng cơ khí mở ra chủ yếu để thỏa niềm đam mê máy móc của ông chủ chứ không phải để mưu sinh.

Người dân tin tưởng đến xưởng ông Hải sửa máy móc ngày càng nhiều. Rồi có người “tham mưu” cho ông Hải phải làm ra một loại máy giúp cày đất nhanh cho kịp mùa vụ. Ông nghiên cứu cải tiến dàn cày thông thường thành “dàn cày Đông Nam Bộ” với công suất tăng ít nhất 30%. Nhưng khi ra thử nghiệm, chảo cày bị vỡ, trục bị hỏng, ông đem về làm lại, cứ mày mò hàn sửa cho đến khi dàn cày chịu xới đất chạy phăng phăng.

Thành công đầu tiên của “dàn cày Đông Nam Bộ” hơn 15 năm trước khiến ông tập trung hết tâm lực vào xưởng cơ khí. Sau đó ông bán gần hết đất đai để tập trung vô xưởng máy. Bà con yêu cầu làm máy nào, ông nghiên cứu làm máy đó. Đến nay ông đã đi hơn chục nước để giới thiệu những thành quả sáng tạo của mình.

Con trai duy nhất của ông Hải là Trần Quốc Thanh cũng thừa hưởng niềm đam mê nghiên cứu máy móc từ cha. Tuy nhiên, Thanh cho biết: “Em còn phải học hỏi rất nhiều mới có thể giỏi như ba”.

Ngoài “phi vụ” chế tạo máy bay, làm máy trồng mì…, ông Hải còn cho ra mắt một loạt máy cơ giới phục vụ cho ngành sản xuất cao su: Máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy giặt mủ cao su. Năm 2008, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận Điển hình sáng tạo Việt Nam cho công trình nghiên cứu “Quy trình chăm sóc cao su tự động” do ông Hải thực hiện.

Mới đây, hai cha con ông Hải được chính phủ Hoàng gia trao tặng huân chương đại tướng quân vì những đóng góp của ông trong việc sửa chữa các xe bọc thép từ thời Liên Xô để lại.

___________________________________

Tôi đã làm việc với ông Hải và thấy chiếc máy trồng mì của ông ấy giúp người nông dân trồng mì nhanh hơn, đúng phương pháp hơn, bớt công lao động. Tôi có kế hoạch mời ông Hải qua Nigeria hợp tác giúp người dân ở đây trồng mì. Tôi chưa thấy chiếc máy nào giúp trồng mì có ưu thế như máy của ông Hải cả.

GS-TS VÕ TÒNG XUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm