Sáng 11-6-2020, người chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương (tức Mười Hương, tên khai sinh Trần Ngọc Ban) trút hơi thở cuối cùng, để lại bao tiếc thương cho gia đình và đồng đội.
Tôi, thế hệ con cháu, được tiếp xúc với ông qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, nay cảm nhận lại 97 năm cuộc đời của người cách mạng - nhân sĩ Bắc Kỳ, với nửa đời người gắn với cách mạng miền Nam, càng thêm thấm thía những nét đẹp dung dị, chân thành, thanh cao với một tình yêu trong sáng, thủy chung, keo sơn, son sắt mà ông, những người ở thế hệ lão thành, dành cho Tổ quốc và nhân dân. Loang loáng trong đầu tôi bỗng hiện trở lại giọng nói mạch lạc, hào sảng mà khúc triết khi ông chia sẻ, như là gửi gắm, nhắn nhủ thế hệ cháu con qua mỗi lần trò chuyện.
Lặng lẽ
Đặc trưng của nghề tình báo là “bí mật” phản ánh đầy đủ khi nghề nghiệp chọn ông. Ở tuổi 20 sôi động, ông đã lặng lẽ góp vào Cách mạng Tháng Tám vĩ đại bằng nhiều cách. Ông vận động, xây dựng Hội Văn hóa cứu quốc, quyết tâm đoạn tuyệt với nền văn hóa thực dân nô dịch. Ông làm công tác binh vận, để những người lính châu Âu trong quân đội lê dương Pháp đứng về phía Việt minh như Erwin Borchers (bút danh Chiến sĩ), Ernst Frey (Nguyễn Dân)…
Chuẩn bị cho Tháng Tám lịch sử, người đồng chí Nguyễn Khang muốn ông tham gia vào Ủy ban Quân sự cách mạng của Hà Nội, thì ông nhiệt tình hỗ trợ nhưng khéo léo từ chối với lý do đang bận việc của trung ương - đúng như lời dặn của ông Trường Chinh: Giúp đỡ Thành ủy Hà Nội nhưng không được tham gia lãnh đạo.
Chiếc xe Citroën chở Chủ tịch Ủy ban Quân sự Hà Nội Nguyễn Khang đi khắp Hà Nội chỉ đạo Tổng khởi nghĩa hôm 19-8 là xe do ông Mười Hương bố trí. Cũng chính chiếc xe này đón Hồ Chí Minh từ Chèm về nội thành, rồi đưa Người từ 48 Hàng Ngang ra kỳ đài ngày Quốc khánh.
Ông Mười Hương (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) là chỉ huy của những huyền thoại tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy. Ảnh: TƯ LIỆU
Chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, ông tiến cử Nguyễn Hữu Đang làm trưởng ban tổ chức ngày độc lập. Ông cũng sáng sớm gõ cửa nhà Phạm Văn Khoa, giục đi tìm người thiết kế và lo việc xây dựng kỳ đài, chạy vạy nguyên vật liệu cho kịp việc xây dựng, đồng thời cùng các cơ quan chức năng lo an ninh trong buổi lễ.
Cũng chính ông tất bật chuẩn bị đưa báo Cờ Giải Phóng ra công khai: Từ thương lượng thuê in ở nhà in Taupin đến tìm kiếm nơi làm trụ sở tòa soạn kiêm địa điểm liên lạc với những người đồng chí ở hải ngoại trở về như Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Sơn, Lý Ban…
Người con Vũ Bản, Bình Lục, Hà Nam chuyển sang lĩnh vực tình báo từ năm 1948, rồi vào Nam sau Hiệp định Genèva, 1954. Trước khi đi Cụ Hồ dặn: Vào trong ấy nhiều khó khăn, phong tục, tập quán, sinh hoạt đều khác. Chú phải chú trọng đoàn kết, nhất là đoàn kết Bắc - Trung - Nam. Cố gắng “đi sao về vậy”.
Mười Hương đi vào lịch sử như một nhà chỉ huy tình báo lỗi lạc từ ngày ấy. Nhưng dù trực tiếp chỉ huy Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ… chưa bao giờ ông nhận danh xưng mà thế hệ sau đánh giá: “Người thầy của các nhà tình báo chiến lược”.
Trong nhiều lần trò chuyện với lớp trẻ ra đời khi đất nước đã thống nhất như chúng tôi, ông thành thật: “Tao làm thầy các cậu ấy thế nào được!”.
Ông bảo: Mỗi nhà tình báo đều có hoàn cảnh và tài năng riêng, được Đảng và Nhà nước lựa chọn, rèn luyện rồi trưởng thành. Nhờ đó mà lập được thành tích to lớn với cách mạng. Như Phạm Ngọc Thảo có truyền thống gia đình Công giáo yêu nước, quốc tịch Pháp nhưng tham gia kháng chiến, làm trưởng phòng tình báo Nam bộ từ rất sớm, được đích thân ông Lê Duẩn lựa chọn, để lại miền Nam… Còn việc chỉ đạo đường lối là của tổ chức, của tập thể, là trí tuệ của Trung ương Đảng. Ông chỉ khiêm nhường nhận mình là người được giao phụ trách các đầu mối, là “cái anh chỉ trỏ”.
Sự thật sẽ chiến thắng
Lý lịch ra tù vào khám sau này khiến ông gặp rắc rối khi Đảng làm công tác nhân sự. Nhưng với nhân cách cao cả, tin ở đồng chí, tin ở tập thể, tin tuyệt đối vào Đảng, ông Mười Hương không vì vậy mà tiêu cực, oán thán. Khi ông Trường Chinh hỏi có cần mình lên tiếng bảo vệ, ông từ chối. Ông cho rằng làm như thế không có lợi cho sự đoàn kết trong Đảng. Ông khẳng định mình trong sáng và yêu cầu các cấp xác minh đến tận cùng.
“Sự thật sẽ chiến thắng”, niềm tin mãnh liệt ấy cuối cùng đơm hoa.
Ông Mười Hương trong một lần gặp gỡ trí thức trẻ, tháng 9-2012. Ảnh: Đông Kiên
Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an) Cao Đăng Chiếm, từng hoạt động với ông Mười Hương trong Ban an ninh Trung ương Cục miền Nam, cuối cùng đã tìm được hồ sơ của địch về người đồng chí của mình. Đây là căn cứ quan trọng khẳng định ông Mười Hương tuyệt đối trung thành, không cung khai bất cứ điều gì. Đối thủ của ông, phụ trách trại Tòa Khâm Lê Văn Dư sau này cũng xác nhận việc kiên quyết giữ gìn nhân cách cộng sản của ông Mười Hương đã gây ảnh hưởng bất lợi tới chính sách “chuyển hướng”.
Sau quá trình khắt khe ấy, ông Mười Hương được bầu vào Trung ương, rồi làm trưởng Ban Nội chính Trung ương đến năm 1991, khi bị tai biến. Nhưng một giấc mơ đã giữ ông ở lại với cuộc đời. “Tao mơ thấy Bác Hồ. Bác bảo: “Này, cậu chưa đi được đâu, cố gắng mà ở lại làm nốt việc dang dở”” - ông kể.
Tôi hậu thế được sinh ra, lớn lên trong hòa bình, đã chờ đợi một điều kỳ diệu như 20 năm trước khi ông bị tai biến. Nhưng lần này ông đã quyết định đi gặp Cụ Hồ, gặp những người anh Trường Chinh, Lê Đức Thọ, gặp những đồng đội trong mạng lưới của mình như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy…
Xin được thành kính tiễn đưa ông - lời tiễn đưa của đứa cháu ở phương xa không kịp về bên ông trong giây phút cuối.
Tokyo, 12-6-2020
Niềm tin mãnh liệt vào sự thiện lương của con người Khắt khe, chặt chẽ trong nghề tình báo bao nhiêu thì sau ngày hòa bình, ông cũng chia sẻ nhiều với mất mát của đồng chí, đồng đội. Trong bộn bề hậu chiến, ông đã góp phần sửa sai cho Nguyễn Phổ - người dạy ông nghề in và giúp ông xuất bản báo Cờ Giải Phóng; phục hồi chế độ cho Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức ngày độc lập; khẳng định sự trong sạch của Nguyễn Tài, người cộng sản đầy khí phách đã chiến thắng CIA… Ông nói về họ, giản dị mà thấm đẫm nhân tình: “Nói ai chứ nói Nguyễn Phổ theo Tây làm hại cách mạng tao không bao giờ tin”, “Nguyễn Hữu Đang là người có tư cách, không có chuyện theo Thụy An làm gián điệp đâu”, “Nguyễn Tài là người can đảm lắm…”. Điều gì làm ông vững tin vào việc nhìn người của mình như vậy nếu không phải là niềm tin mãnh liệt vào sự thiện lương của con người - niềm tin đã nâng đỡ ông vượt qua lao tù khắc nghiệt, cũng là niềm tin giúp ông vững vàng nhân cách trong việc đấu tranh và giữ gìn đoàn kết nội bộ! Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của ông Trần Quốc Hương, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang ông Trần Quốc Hương với nghi thức lễ tang cấp nhà nước. Ban bí thư Trung ương Đảng đã quyết định ban lễ tang nhà nước gồm 21 người; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, làm trưởng ban. - Linh cữu ông Trần Quốc Hương quàn tại Nhà tang lễ BV 175 Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM. - Lễ viếng từ 14 giờ thứ Hai 15-6-2020, lễ truy điệu lúc 9 giờ ngày 17-6-2020, sau đó là lễ di quan, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM. |