Điểm đặc biệt trong thông điệp liên bang ngày 30-1 của ông Trump mang tên Ji Seong-ho. Người đàn ông 36 tuổi, một người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Seoul, Hàn Quốc. Anh đã được mời tới nghe Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc thông điệp liên bang ở thủ đô Washington, Mỹ.
Cảnh báo Triều Tiên
Trong bài phát biểu, ông Trump dành một đoạn dài kể về những nỗ lực vươn tới tự do của Seong-ho.
Tổng thống Trump cũng cảnh báo chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ sớm đe dọa lục địa Mỹ. “Nỗ lực theo đuổi phát triển tên lửa hạt nhân đầy ngông cuồng của Triều Tiên sẽ sớm đe dọa quê nhà chúng ta. Nước Mỹ đang phát động một chiến dịch gây áp lực tối đa để ngăn cản điều này trở thành hiện thực” - ông Trump nhấn mạnh trong thông điệp liên bang được phát sóng trực tiếp trước toàn dân.
Nhà lãnh đạo 71 tuổi cũng khẳng định ông sẽ không tái diễn “những sai lầm” của các chính phủ tiền nhiệm trong vấn đề Triều Tiên. “Những kinh nghiệm trong quá khứ đã dạy cho chúng ta rằng nhượng bộ và tự mãn sẽ chỉ mời gọi thêm sự hung hăng và khiêu khích (từ Triều Tiên)” - Tổng thống Mỹ cho biết. Ông nhận định rằng nước Mỹ cần thẳng thắn đối mặt với tình hình để hiểu rõ bản chất mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đối với nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thông điệp liên bang đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2017. Ảnh: AP
Ưu tiên hàng đầu
Sự xuất hiện của Seong-ho, theo nhận định của Harry J. Kazianis, Giám đốc Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ, trên kênh truyền hình Fox News là minh chứng cho thấy vấn đề Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump trong nhiều tháng hay thậm chí là nhiều năm tới.
“Hãy quên đi IS (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng), Iran hay Nga. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và kho vũ khí hạt nhân đang ngày càng lớn của ông chính là thách thức lớn nhất của Tổng thống Trump” - Harry J. Kazianis nhận định trên trang mạng của đài truyền hình Fox News. Ông cũng nhận định Tổng thống Trump rõ ràng đã mượn hình ảnh của Ji Seong-ho làm một “biểu tượng, một lời hiệu triệu mạnh mẽ” để thúc đẩy người dân Mỹ nhìn nhận chính sách ưu tiên vấn đề Triều Tiên là đúng đắn.
Ông Kazianis cũng cho rằng thông qua thông điệp liên bang lần này, có thể nhận thấy Tổng thống Trump đang ủng hộ chiến lược tạo áp lực tối đa lên Triều Tiên. Những đe dọa chiến tranh như “lửa và cuồng nộ” mà nhà lãnh đạo này từng đưa ra giờ chỉ còn là quá khứ. Theo Kazianis, một chiến lược kiềm chế và răn đe sẽ là sự lựa chọn sáng suốt và khôn khéo cho chính phủ Tổng thống Trump.
Trong khi đó, trang tin Vox của Mỹ nhận định phần phát biểu của ông Trump về Seong-ho là “đoạn đáng sợ nhất trong bài phát biểu liên bang”, vì “ông nói tới Triều Tiên như cựu Tổng thống George W. Bush từng nói về Saddam Hussein và Iraq”. Năm 2002, ông Bush từng gọi Iran, Iraq và Triều Tiên là “trục ma quỷ”; tuyên bố chính quyền Saddam Hussein là mối đe dọa cận kề nước Mỹ và sau đó phát động cuộc chiến tại Iraq. “Phát biểu của ông Trump về Triều Tiên như một lời cảnh báo đầy bất an. Đây là cách mà các tổng thống Mỹ thường làm khi muốn tạo cớ gây chiến” - cây bút Zack Beauchamp của Vox bình luận.
Trong thông điệp liên bang lần này, Tổng thống Trump cũng dành phần lớn nội dung để ca ngợi thành tựu sau một năm nắm quyền của ông và đảng Cộng hòa trên chính trường Mỹ. Ông cũng đưa ra lời kêu gọi đảng Dân chủ phối hợp cùng ông trong chương trình nghị sự sắp tới. Nhà Trắng từng tuyên bố thông điệp liên bang của ông Trump sẽ phát đi tín hiệu kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng nhưng giới quan sát cho rằng tổng thống Mỹ chưa đạt được mục tiêu. ______________________________ Ông Kim Jong-un sẽ không thể ngủ ngon được sau bài phát biểu của Tổng thống Trump, vì ông Kim sẽ hiểu thời gian không còn ủng hộ ông. Harry J. Kazianis, Giám đốc Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ, |