Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-11 cho biết Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí rằng điều kiện để nhượng bộ trong vấn đề cấm vận Triều Tiên là nước này phải tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân. Ông Trump sẽ không chấp nhận Triều Tiên đơn thuần đóng băng chương trình vũ khí này như các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm từng nỗ lực đàm phán giảm căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15-11 (giờ địa phương). Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ cho biết lãnh đạo Trung Quốc cũng đồng tình với lập trường của ông cho rằng một thỏa thuận “đóng băng đổi lấy đóng băng” giữa sức ép của quốc tế và chương trình hạt nhân Triều Tiên là không thể chấp nhận được, theo hãng tin AP. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi ông Trump trở về Mỹ, kết thúc chuyến “marathon” công du châu Á kéo dài 12 ngày và ghé thăm năm quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Tổng thống Mỹ chia sẻ: “Chủ tịch Tập Cận Bình nhìn nhận việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân là một mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc. Chúng tôi đã đồng ý rằng một thỏa thuận kiểu đóng băng đổi lấy đóng băng sẽ không được chấp nhận. Kiểu thỏa thuận này đã thất bại nhiều lần trong quá khứ”.
Ông Trump cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đồng ý với lập trường không chấp nhận Triều Tiên chỉ đóng băng chương trình hạt nhân. Ảnh: CNN
Cũng theo ông Trump, ông Tập Cận Bình đã hứa hẹn Trung Quốc sẽ thực thi các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm đến cắt đứt nguồn thu của Triều Tiên, chặn nguồn sống của chương trình vũ khí. Nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ “sử dụng sức ảnh hưởng kinh tế khổng lồ” của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng để giúp hiện thực hóa mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông Trump cho biết.
Động thái từ Trung Quốc
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 10 vùa qua, Nga và Trung Quốc từng đề xuất phương án tái khởi động các đàm phán phi hạt nhân hóa bị trì hoãn bấy lâu. Hai cường quốc láng giềng của Triều Tiên cho rằng chính phủ tại Bình Nhưỡng có thể cho đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa với điều kiện: Mỹ và đồng minh Hàn Quốc chấm dứt hoạt động tập trận thường xuyên.
Các cuộc tập trận này luôn bị Triều Tiên lên án là động thái chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Ngày 14-11 vừa rồi, Mỹ cũng vừa kết thúc cuộc tập trận tàu sân bay quy mô lớn nhất trong một thập niên qua, với sự tham gia của ba đội tàu sân bay tấn công: USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt. Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều tàu chiến tối tân từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Chủ tịch Tập Cận Bình dự quốc yến tại Bắc Kinh. Ảnh: REUTERS
Hôm 15-11, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ gửi một đặc phái viên cấp cao tới Triều Tiên. Người được gửi trọng trách sẽ là ông Tống Đào, Trưởng ban liên lạc các vấn đề quốc tế của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo Tân Hoa xã. Chuyến thăm và làm việc của ông Tống dự kiến bắt đầu vào ngày 17-11, Tân Hoa xã không nêu cụ thể nội dung làm việc có liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên hay không.