Phải siết việc bổ nhiệm người thân

Trong các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XIV, rất nhiều ý kiến đại biểu QH đã tập trung chất vấn các vấn đề liên quan đến “chủ nghĩa thân hữu” và “lợi ích nhóm” với tình trạng “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ”. Điều này đang gây ra xung đột rất lớn giữa lợi ích công và tư lợi, tạo cản lực cho sự phát triển đất nước. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), về vấn đề này.

Móc nối sân sau rút tiền Nhà nước

. Phóng viên: Thưa ông, chủ nghĩa thân hữu đang gây ra những cản lực nào cho sự phát triển của đất nước?

+ TS Đinh Văn Minh: Hiện nay chủ nghĩa thân hữu liên kết với nhau, trở thành dây nhợ móc nối giữa người nắm giữ quyền lực và người nắm giữ tiền bạc. Người ta lợi dụng quyền lực để kiếm chác, theo kiểu có tiền sẽ có quyền, quyền sẽ sinh ra tiền. Tiền và quyền móc nối với nhau rất khó kiểm soát. Điều này làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta càng khó khăn hơn.

Tham nhũng lúc này không đơn giản chỉ là lấy tiền Nhà nước đút túi đâu mà các quan tham còn câu kết với các doanh nghiệp sân sau để rửa tiền. Trong khi ở khu vực tư muốn qua được mặt các cơ quan kiểm tra, thanh tra thì phải câu kết với quyền lực ở khu vực công để làm bệ đỡ. Như vậy, chủ nghĩa thân hữu chi phối kể cả những người trong khu vực công, khu vực tư câu kết, móc nối, che đậy dưới nhiều hình thức để lấy tiền Nhà nước.

TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ): “Tham nhũng lúc này không đơn giản chỉ là lấy tiền Nhà nước đút túi đâu mà các quan tham còn câu kết với các doanh nghiệp sân sau để rửa tiền”. Ảnh:  ĐẶNG TRUNG

Cơ chế bổ nhiệm người thân phải chặt chẽ hơn

. Từ 400 năm trước ông cha ta đã ngăn chặn chủ nghĩa thân hữu bằng luật hồi tỵ, ông suy nghĩ gì về điều này trong bối cảnh hiện nay?

+ Luật hồi tỵ có từ thời Lê Thánh Tông và sau này Bộ luật Hồng Đức thể hiện rất rõ. Cụ thể là quan lại là người của địa phương không được lấy vợ lấy chồng ở đó, thậm chí không dùng người thân quen để giúp việc cho mình. Sau đó, đạo luật này còn phát triển hơn nữa, ví dụ như ở cấp xã không cho hai người có quan hệ ruột thịt máu mủ cùng làm quan để tránh bè cánh với nhau. Đến thời Minh Mạng vẫn quy định có người thân quen là phải tránh làm quan cùng chỗ.

Hiện nay chủ nghĩa thân hữu đang gây những xung đột lợi ích rất lớn giữa công và tư. Chúng ta phải xem nó là một vấn nạn và kiểm soát chặt. Đối với nhà nước pháp quyền thì càng cần phải coi trọng việc kiểm soát quyền lực. Theo đó, phải có một cơ chế kiểm soát chặt chuyện lợi dụng việc công để thu lợi cho cá nhân. Chẳng hạn như hiện nay chưa có quy định cấm chuyện cha ra quyết định bổ nhiệm con. Ngay cả Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ quy định người đứng đầu, cấp phó không được bố trí những người có quan hệ ruột thịt giữ chức vụ thủ quỹ, thủ kho, kế toán, tổ chức cán bộ… trong cơ quan chứ chưa có một quy định mang tính nguyên tắc chung để kiểm soát chặt chẽ điều này.

Trong khi đó, lợi ích có thể xảy ra ở bất kỳ chỗ nào, bất kỳ lúc nào và rõ ràng nó đang được che đậy dưới nhiều hình thức. Các đại biểu QH gần đây có nói đến chuyện bà đỡ “đúng quy trình” trong bổ nhiệm người thân là vậy. Cái ta cần hiện nay là phải có một quy tắc chung để chống chủ nghĩa thân hữu, tránh việc cha bổ nhiệm con, người thân làm quan ở cùng cơ quan, địa phương. Đó là cơ chế quan trọng để kiểm soát lợi ích, tham nhũng ở lĩnh vực công.

. Theo ông, cụ thể cơ chế kiểm soát chủ nghĩa thân hữu cần như thế nào?

+ Thứ nhất là phải đưa vào luật quy định nguyên tắc chung để kiểm soát chủ nghĩa thân hữu như tôi nói trên đây. Thứ hai là phải có quy định công khai cho người dân địa phương, người trong cơ quan biết người này ở đâu, làm lĩnh vực gì, có đủ tiêu chuẩn xứng đáng vào vị trí đó không… để mọi người cùng phản biện thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn về mặt quy trình, chả ai dại gì làm sai quy trình đó cả.

. Xin cám ơn ông.

Vì lợi ích nương tay cho doanh nghiệp vi phạm

Các tình huống xung đột lợi ích phổ biến là cán bộ, công chức đầu tư, chia sẻ lợi ích với DN hay nói cách khác cán bộ, công chức có các DN “sân sau”, bổ nhiệm, tuyển dụng người thân và tặng/nhận quà để không bị phân biệt đối xử trong khi cán bộ, công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện “sự biết điều”. Còn nữa, có nhiều người xuất phát là lãnh đạo DN chuyển lên làm lãnh đạo quản lý nhà nước thì quyền lợi kinh tế của họ vẫn còn ở DN. Việc họ vẫn còn lợi ích ở DN, không ai kiểm tra, kiểm soát thì họ vẫn duy trì và khi chỉ đạo thì họ phải nương tay cho DN chứ.

TRẦN THỊ LAN HƯƠNG,chuyên gia cao cấp về quản trị công Ngân hàng Thế giới

Quan chức móc nối đưa tài sản Nhà nước ra ngoài

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho rằng xung đột lợi ích xuất phát từ lợi ích giữa công và tư. Nghĩa là những người có chức quyền móc nối với các DN để đưa tài sản Nhà nước ra bên ngoài thông qua các dự án đầu tư. Tiếp sau đó các DN hối lộ ngược trở lại cho quan chức, vì thế trong thời gian tới cần phải đưa chống tham nhũng ở khu vực tư nhân vào trong Luật Phòng, chống tham nhũng, từ đây sẽ kiểm soát tốt hơn xung đột lợi ích.

_______________________________________

Một người vào làm việc ở một thiết chế công thì điều đầu tiên đòi hỏi ở đạo đức công vụ là phải tránh xung đột lợi ích. Quy chế đạo đức nghị viện cũng vậy. Nếu đại biểu QH là một chủ doanh nghiệp (DN), khi thảo luận vấn đề có lợi cho DN, anh phải công bố đây là xung đột lợi ích và tôi xin không tham gia.

Nguyên Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Quốc hội
NGUYỄN SĨ DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm