Tin từ Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hải Phòng hôm nay, 17-6, cho biết Viện Khảo cổ học đã có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khẩn cấp bãi cọc Đầm Dương.
37 cọc gỗ nơi bãi sông xưa
Quá trình khai quật bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê, năm 2019, đoàn khai quật nhận được thông tin về việc người dân ở khu vực Đầm Thượng, xã Lại Xuân, trong quá trình làm ruộng, đào ao cũng phát hiện nhiều cọc gỗ lớn. Một trong số đó là ao cá nhà ông Đào Văn Đền, ở thôn 11.
Các hố khai quật, thám sát đoàn khảo cổ thực hiện tại ao nhà ông Đến tại khu Đầm Thượng
Đầu năm nay, đoàn khai quật và cán bộ huyện Thuỷ Nguyên đã mở rộng khảo sát. Ngày 12-2, sau khi ông Đến tát ao, các nhà khảo cổ phát hiện một số cọc gỗ nhô lên trên mặt bùn. Đầu cọc có hiện tượng bị mòn, gãy, nứt nẻ.
Trên cơ sở đề nghị của Viện Khảo cổ học và UBND huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng đã quyết định cho tổ chức khai quật khẩn cấp khu Đầm Thượng. Các nhà khảo cổ đã thực hiện đào 3 hố khai quật, 1 hố thám sát tại khu đất nhà ông Đào Văn Đến và ông Nguyễn Văn Hay kế bên.
Tại hố H1, các nhà khảo cổ phát hiện 11 cọc gỗ có hình dáng tự nhiên, một số còn dấu vết mắt gỗ, có mộng khoét sơ sài ở phần dưới chân. Trong đó, 5 cọc đường kính 26-32cm, dài hơn 1,6m tới hơn 2,8m. Các cọc còn lại ngắn, đường kính nhỏ hơn.
Các cọc gỗ được tìm thấy sau khi tiến hành khai quật khảo cổ
Tại hố H2, các nhà khảo cổ phát hiện 06 cọc gỗ ở độ sâu 1,7m tới 2m dưới bùn. Trong đó cọc C1 lớn nhất, đường kính 18cm, phần xuất lộ dài 54cm. Các cọc khác nhỏ hơn, phần lớn chỉ còn đoạn ngắn dưới chân, có lẽ bị chặt đi trong quá trình trước đây người dân đào ao, làm đầm.
Tại hố H4, có 19 cọc gỗ và 02 mảnh gỗ trong tình trạng mủn nát.
Ngoài ra, ở hố thám sát TS1, các nhà khảo cổ tìm thấy 01 cọc gỗ nhỏ dài 55cm, phần đầu cọc bị mục.
Tổng cộng, đoàn khảo cổ đã tìm thấy 37 cọc gỗ chìm sâu dưới bùn đất.
Đa số cọc gỗ đều có dấu hiệu bị nứt nẻ, mục, thậm chí bị chặt
Đoàn khảo cổ cho biết Đầm Thượng nằm ở khu vực ngã ba nơi giao nhau của ba con sông Kinh Thầy, Đá Vách và Đá Bạc. Nơi đây vốn là bãi sông, trải qua thời gian, nay đã thành khu dân cư trong đê.
Theo phản ánh của người dân, bãi cọc Đầm Thượng có thể dài 400m rộng 250m, nằm tại vườn của nhiều hộ gia đình.
Một phần của trận chiến Bạch Đằng chống quân Nguyên năm 1288
Đoàn khảo cổ nhận định các cọc này không phải là cọc kiến trúc, không phải cọc đáy, cọc kè đê hay mục đích dân sinh khác. Trong phạm vi khai quật không có dấu hiệu của bến cảng. Bãi cọc nằm ở vị trí chiến lược án ngữ phía sau nút thắt trên sông, ngay chân rặng núi đá. Cách thức bố trí bãi cọc cho thấy tính chất quân sự rõ rệt, nhằm phòng thủ ngăn chặn, tiêu diệt sinh lực địch.
Một số cọc có đường kính lớn, chiều dài từ hơn 1,6m tới hơn 2,8m
Các mẫu gỗ, mẫu đất đang được các nhà khoa học tiến hành phân tích để lý giải bãi cọc này có từ bao giờ.
Nhưng xét vị trí địa lý, các nhà khoa học nhận định Đầm Thượng nằm ở vị trí có tính chiến lược trên sông Đá Bạc nối với sông Bạch Đằng, nơi trước đây đã phát hiện nhiều bãi cọc ở Yên Hưng (Quảng Ninh), Cao Quỳ (Hải Phòng) và các cuộc khai quật khảo cổ xác định có các căn cứ của quân binh nhà Trần.
Người dân cho rằng bãi cọc đầm thượng có chiều dài 400m, rộng 250m
Đoàn khảo cổ đưa ra giả thuyết bãi cọc Đầm Thượng là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn chiến thuyền quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288. Giả thuyết này cần tiếp tục được kiểm chứng qua việc mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học và các căn cứ khoa học khác.
Từ kết quả khai quật, nghiên cứu bước đầu, đoàn khảo cổ kiến nghị tiếp tục thực hiện khai quật mở rộng các khu vực có cọc và tiến hành nghiên cứu phân tích mẫu gỗ, mẫu đất để làm rõ đặc điểm, chức năng bãi cọc. Cùng với việc bảo tồn di tích, đoàn cũng đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ khu vực Trúc Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, để xây dựng hồ sơ đầy đủ cho các di tích liên quan hoặc cùng loại ở khu vực, cũng như mối liên quan với di tích khác thuộc hệ thống Bạch Đằng Giang.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên, cho biết sau khi có kết quả khảo cổ chính thức, căn cứ vào kiến nghị của các nhà khoa học, huyện sẽ cùng với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch đề nghị thành phố Hải Phòng xem xét việc mở rộng khai quật khảo cổ. |