Hàng chục tàu thuyền của ngư dân cũng đã kéo đến điểm phát hiện cổ vật này để tranh nhau trục vớt…
Như vậy, trong ba ngày qua, ngư dân Quảng Ngãi đã tìm thấy hai con tàu cổ. Trước đó, tháng 9-2012, cũng tại vùng biển này, bà con cũng phát hiện một con tàu chứa đầy cổ vật…
Nghe cổ vật là… chạy
Nơi phát hiện nhiều cổ vật nghi có tàu đắm nằm ở vùng biển xóm Châu Tân, thôn Châu Me, xã Bình Châu, cách nơi phát hiện tàu chứa cổ vật vài ngày trước chỉ khoảng 4.000 m và nằm cách bờ chỉ chừng 20 m, sâu 2 m. Trưa 19-8, trên diện tích chỉ chừng 200 m2, hàng chục ngư dân đưa ghe thuyền và phương tiện đến tập kết tranh nhau lặn ngụp tìm cổ vật làm náo loạn cả một vùng biển. Từ trưa 19-8, ngư dân đã lặn và lấy được rất nhiều món đồ cổ nhưng đều đã bị vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ.
Ngư dân lại tranh nhau lặn tìm cổ vật. Ảnh: LN
Sau khi phát hiện điểm đắm của chiếc tàu chứa cổ vật thứ ba này, lực lượng chức năng như công an, biên phòng cũng đã có mặt nắm bắt tình hình và vận động người dân rời khỏi khu vực phát hiện tàu chứa cổ vật bị đắm. Mặc dù ngư dân khai báo là không thấy tàu, chỉ có mấy mảnh đồ cổ bị vỡ vụn nhưng lại chẳng con tàu nào tham gia trục vớt cổ vật chịu rời khỏi hiện trường, tiếp tục canh, chờ đến tối để lặn vớt cổ vật.
Liên tiếp phát hiện tàu chứa cổ vật nên nhiều ngư dân ở vùng biển xã Bình Châu đã ngó lơ chuyện đi biển. Ngư dân Nguyễn Văn Quang, xã Bình Châu kể: Giờ ai ở làng cũng trông ngóng cổ vật, hễ nghe ai loan tin tìm thấy cổ vật dưới biển là mạnh ai nấy đưa ghe tàu chạy thật nhanh đến điểm báo có tàu đắm chứa cổ vật để nuôi “giấc mơ” sở hữu được cổ vật mà đổi đời. “Đang ở nhà, nghe dân làng báo có cổ vật thì mình cũng tranh thủ chạy lên đây lặn tìm xem sao” - ngư dân Quang nói.
Chị Liên, vợ của một ngư dân tham gia khai thác cổ vật, tiết lộ: “Tháng trước ngư dân đồn đoán là ở Gành Tre cũng thuộc xã Bình Châu có tàu cổ đắm. Nghe vậy ông nhà tôi cũng cho tàu chạy lên Gành Tre. Tôi cũng chạy xe máy đến đó. Đến nơi thì có đến cả trăm ngư dân đang lặn mò tìm. Người này báo tin cho người kia rồi kéo đến đông nghịt. Nhưng cuối cùng lặn tìm hoài chẳng thấy tàu cổ đâu nên rút nhau về. Giờ lại gặp được chiếc tàu cổ này”.
“Nghĩa địa” tàu cổ
Với những mảnh đồ cổ mà ngư dân vừa trục vớt được, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, nhận định những cổ vật vỡ vừa phát hiện niên đại vào thế kỷ XVII. “Dựa vào những mảnh vỡ cổ vật tìm thấy nhiều tại đây, chắc chắn có tàu đắm dưới này” - TS Khôi khẳng định.
Cũng theo TS Khôi thì vào năm 1999, tại xóm Châu Tân này, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức khai quật một chiếc tàu cổ tương tự. Vùng biển Bình Châu từng là nơi con đường gốm sứ, tơ lụa trên biển đi qua. Thời đó chỉ đi lại bằng thuyền buồm. Tàu buôn khi qua vùng biển này thường ghé vào neo đậu dọc biển Bình Châu rồi xảy ra nhiều biến cố như hỏa hoạn, bão tố, cướp biển,… dẫn đến nhiều chiếc tàu bị chìm, chôn vùi sâu dưới cát biển. Ngư dân đồn đoán rằng vùng biển Bình Châu là “nghĩa địa” tàu cổ. Bởi theo họ từ nhiều năm nay, ngư dân địa phương đã khai thác nhiều con tàu khác dọc vùng biển này chứ không riêng gì những con tàu phát hiện công khai như vừa qua.
Theo nhận định của các chuyên gia khảo cổ học thì nhiều khả năng ở vùng biển Bình Châu vẫn còn nhiều con tàu cổ bị đắm chưa được phát lộ. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cấp phép cho một đơn vị đứng ra tiến hành khảo sát thăm dò dọc vùng biển này để tiếp tục tìm kiếm tàu cổ bị đắm.
Chiều 19-8, ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã chỉ đạo cho các lực lượng biên phòng, công an và chính quyền địa phương bố trí người chốt chặn, bảo vệ đối với hai địa điểm phát hiện tàu cổ chưa khai quật (một chiếc ở thôn Châu Thuận Biển phát hiện ngày 16-8 và một chiếc ở thôn Châu Me phát hiện ngày 19-8). “Quảng Ngãi sẽ sớm lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, trang thiết bị để cùng với cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai quật theo diện khẩn cấp đối với hai chiếc tàu chứa cổ vật bị đắm lần này” - ông Thích nói.
LUẬN NGỮ