Máy bay tuần tra Philippines sẽ tiếp tục bay theo các tuyến đường thường lệ trên các rạn san hô đang tranh chấp trên biển Đông. AP đưa tin ngày 25-5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã tuyên bố như trên với giới báo chí.
Ông khẳng định không có vùng nhận dạng phòng không nào được tuyên bố trong khu vực và máy bay tuần tra Philippines vẫn bay dựa trên luật pháp quốc tế. Ông cho biết Philippines đang chuẩn bị kế hoạch hợp tác mới với đồng minh Mỹ để giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông, tuy nhiên hiện giờ chưa thể tiết lộ chi tiết kế hoạch. Báo Inquirer (Philippines) ngày 25-5 đưa tin hôm trước đó, hai nghị sĩ Ferdinand Marcos Jr và Francis Escudero đã kêu gọi chính phủ Philippines xem xét lại các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc. Ông Ferdinand Marcos Jr nhận định tình hình đã trở nên phức tạp với sự có mặt của Mỹ trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Ông nói: “Nếu xung đột nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ, Philippines sẽ bị kẹp ở giữa. Chúng ta sẽ bị nghiền nát. Thử nghĩ xem họ là hai quốc gia giàu mạnh biết nhường nào! Họ có rất nhiều vũ khí. Chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi vì chúng ta đang nằm ở giữa”.
Cả hai nghị sĩ đều bày tỏ lo ngại Philippines có thể mắc kẹt giữa cuộc đối đầu của hai siêu cường Mỹ-Trung.
Ảnh vệ tinh vào tháng 3-2015 cho thấy hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại đá Vành khăn. Ảnh: TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ VÀ CHIẾN LƯỢC
Trong khi đó tại Trung Quốc, tờ báo sặc mùi hiếu chiến Thời Báo Hoàn Cầu ngày 25-5 đã đăng ý kiến của nhiều chuyên gia Trung Quốc cao ngạo cảnh báo Mỹ nên lùi bước ở biển Đông đồng thời đổ lỗi cho Mỹ là tác nhân gây bất ổn khu vực.
Các chuyên gia cho rằng nếu máy bay Mỹ tiếp tục tăng cường giám sát ở biển Đông, xung đột quân sự có nguy cơ xảy ra, do đó hai bên cần cố gắng tránh tính toán sai lầm, làm hỏng quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới.
Họ ghi nhận vấn đề biển Đông chỉ chiếm một phần nhỏ trong quan hệ Trung-Mỹ và tương lai của hai nước cũng như của châu Á phải vượt xa phạm vi đó. Tuy nhiên, dù nêu cao quan hệ Trung-Mỹ, họ vẫn bám quan điểm “duy ngã độc tôn” mà chỉ trích hoạt động quân sự gần đây của Mỹ ở biển Đông cho thấy Mỹ đang xoay xở nhằm đối phó với siêu cường Trung Quốc đang trỗi dậy.
Phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Kim Lạn Vinh chỉ trích sự hiện diện của quân đội Mỹ ở biển Đông “sẽ khuyến khích các nước trong khu vực tăng cường quân sự khiến khu vực bất ổn và cản trở giải quyết hòa bình thông qua đối thoại”.
Cuối cùng Bành Quang Khiêm ở Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc (nổi tiếng là tướng diều hâu) đã khẳng định “chính người Mỹ đi hàng ngàn dặm đến trước cửa nhà Trung Quốc để thách thức, do đó Trung Quốc phải có hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải quốc gia”.
Bành Quang Khiêm hăm he Trung Quốc sẽ tấn công trở lại nếu Mỹ tiếp cận khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi đắp trái phép.
Báo Providence Journal đưa tin ngày 24-5 (giờ địa phương), văn phòng Thượng nghị sĩ Mỹ Jack Reed thông báo hai Thượng nghị sĩ Jack Reed và John McCain sẽ dẫn đầu phái đoàn nghị sĩ đến thăm Việt Nam và Singapore. Ông John McCain giữ chức chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện còn ông Jack Reed là quan chức cao cấp của ủy ban này. Hai ông đều quan ngại hoạt động trái phép ở biển Đông của Trung Quốc sẽ gây căng thẳng khu vực. _____________________________________ 4 tàu hải quân Ấn Độ tập trận với Singapore từ ngày 23 đến 26-5 trong chiến dịch triển khai dài hạn ở nước ngoài đến Ấn Độ Dương và biển Đông. Trong đó có tàu khu trục tàng hình INS Satpura và tàu hộ tống chống ngầm INS Kamorta. Các tàu Ấn Độ cũng sẽ đến thăm Úc, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trang tin brahmand.com (Ấn Độ) |