Sáng 17-1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 Ban Chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
11 vụ cướp ngân hàng chủ yếu do người thất nghiệp gây ra
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đánh giá trong năm 2023, các cơ quan chuyên trách phối hợp của các bộ ngành, địa phương đã kiểm soát được tình hình tội phạm.
Đáng chú ý, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết trong các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tội phạm có xuất phát từ tình trạng thất nghiệp. Cụ thể, trong năm, có 29,6% tội phạm là người thất nghiệp, 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra.
Theo ông, trước đây nói đến cướp ngân hàng trên thế giới là các đối tượng rất chuyên nghiệp. Trong khi đó ở nước ta hiện nay, cướp ngân hàng đơn giản do những người thất nghiệp gây ra.
Nhấn mạnh việc cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, nhất là dịp tết, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rà soát chính sách an sinh xã hội. Cạnh đó cần quan tâm quản lý người nghiện bởi 96% người nghiện hiện không có việc làm, hơn 14% tội phạm trong năm 2023 do người nghiện gây nên.
Cung cấp thêm thông tin, ông Nguyễn Duy Ngọc cho hay, hiện có 2.500 người ngáo đá, 2.700 người tâm thần thường trực gây ra các vụ trọng án giết người, gây rối. Do vậy, các lực lượng, đặc biệt phường xã lập hồ sơ, phân công, có giải pháp với từng người nghiện, người ngáo đá, tâm thần để ngăn chặn các thảm án, vụ án đáng tiếc xảy ra.
Tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng mạnh
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023, các Ban chỉ đạo cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù số liệu thống kê công tác phòng, chống tội phạm tăng 0,07%. Ông cho biết gần đây, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Công an rất nghiêm khắc, yêu cầu thống kê đúng số liệu.
“Chúng ta không thể ru ngủ nhau bằng số liệu không thực tế, không đúng, tạo ra tâm lý chủ quan”- Phó Thủ tướng nói.
Đi vào các vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý tội phạm công nghệ cao và lợi dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp và hoạt động mạnh. Cạnh đó, tính chất phạm tội ngày càng manh động, ngang nhiên và man rợ hơn.
“Ngày xưa tội phạm khu trú, nhưng giờ chỉ cần thất nghiệp là đeo khẩu trang, vác ba lô đi cướp ngân hàng”- Phó Thủ tướng nêu thực tế. Ông cũng đánh giá tội phạm ma túy rất đáng báo động, nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, khối lượng cực kỳ lớn làm băng hoại xã hội…
Với phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng ghi nhận số liệu thống kê có tích cực hơn trong năm qua. Nhiều giải pháp hiệu quả, nhiều chuyên án được triệt phá, nhiều vụ việc được phát hiện. Dù vậy, Phó Thủ tướng cho rằng những việc làm được chỉ là một phần không lớn trong tổng thể các vi phạm.
Lực lượng chức năng phải biết giữ mình vì lợi ích rất lớn
Lưu ý nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng khẳng định “chắc chắn khó khăn hơn 2023”, khi cuộc sống khó khăn, nguy cơ tội phạm gia tăng. Trong khi đó, phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước rộng hơn, có nhiều loại hình kinh doanh mới như kinh doanh online, kinh doanh trên mạng phi truyền thống, khoa học công nghệ phát triển và nhiều thủ đoạn tinh vi.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ma túy là nguồn cơn của các loại tội phạm. Chính phủ đang cố gắng đề xuất Quốc hội có chương trình quốc gia phòng chống ma túy, khắc phục những tác hại của nó. “Những người nghiện tái nghiện, tôi tin chắc trên 95%”- Phó Thủ tướng nói thêm.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị cần tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc. Đặc biệt là trong việc phối hợp giữa bộ ngành trung ương và địa phương, tránh câu chuyện “quyền anh, quyền tôi”. Cho rằng nếu không phối hợp tốt là thất bại, Phó Thủ tướng bày tỏ sẵn sàng ngồi cùng các cơ quan bàn cơ chế để hài hòa, có sự phối hợp tốt hơn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các lực lượng chức năng phải biết giữ mình, bởi lĩnh vực này liên quan đến tiền - hàng rất lớn, lợi ích không hề nhỏ.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án 06 phải quyết liệt làm. Theo Phó Thủ tướng, thực tế không phải ai cũng muốn thay đổi thói quen. Có người không muốn sự minh bạch, bởi nếu làm không tốt hay khuất tất người khác sẽ biết. Do vậy, ở đâu đó vẫn còn tư tưởng cát cứ về chia sẻ dữ liệu, đổ thừa cho giải pháp kỹ thuật…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ trong lực lượng chức năng, vì nếu để xảy ra vi phạm sẽ mất cán bộ và người đứng đầu không tránh khỏi bị ảnh hưởng, thậm chí bị kỷ luật.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực cao nhất để gỡ thẻ vàng của EC sau đợt thanh tra vào tháng 5 tới.
Ông nhấn mạnh nếu không gỡ được thẻ vàng thì thuỷ sản, một ngành mũi nhọn đem về hàng tỉ USD mỗi năm, sẽ bị đình trệ do khó xuất khẩu vào châu Âu. Thậm chí bị cấm xuất khẩu vào châu Âu và nhiều khả năng một số nước khác nếu bị nâng lên thẻ đỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.