Sáng 2-7, chủ tịch hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM đã ký thông báo số 1 về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác tổ chức thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013.
PGS.TS Hoàng Trần Hậu - hiệu trưởng nhà trường - yêu cầu: “Tại phòng nào cán bộ coi thi phát hiện tài liệu, vật dụng theo quy định sử dụng tài liệu, vật dụng trong phòng thi đối với thí sinh không được mang vào phòng thi mà thí sinh mang vào, chú ý các loại đồng hồ thông minh (smartwatch hiệu Sony, LG...) có các tính năng như một điện thoại di động, cần báo ngay cho trưởng điểm thi để xin ý kiến giải quyết. Trưởng điểm thi cần tham khảo hoặc báo ngay cho hội đồng tuyển sinh trường để xin ý kiến chỉ đạo nếu thí sinh cố tình vi phạm”.
Để giúp cán bộ coi thi dễ dàng nhận diện các thiết bị công nghệ cao, thông báo này còn in hình minh họa các loại đồng hồ thông minh.
Dùng chuyên gia kiểm tra
Sưu tầm thiết bị để giám thị thấy tận mắt |
Ngày 2-7, PGS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi ĐH năm 2013 đã hoàn tất. Để đối phó kịp thời khi có hiện tượng thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử, PGS.TS Trần Văn Nam cho biết đã tập huấn công tác cho các cán bộ coi thi và đã chiếu các hình ảnh về một số thiết bị như bút điện tử, đồng hồ... để các giám thị biết và có biện pháp xử lý.
Ngoài ra trong buổi học quy chế thi ngày 3-7, cán bộ coi thi sẽ nhắc nhở thí sinh thêm. Trong khi đó ông Phan Văn Nhẫn, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, nói: “Nếu thí sinh mang những thiết bị điện tử cao cấp thì phải đăng ký với hội đồng thi để được các chuyên gia kiểm tra và tư vấn. Khi nào các chuyên gia này đồng ý mới được mang vào phòng thi”.
Theo TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), đến thời điểm này tất cả trưởng điểm thi của trường đều đã được phổ biến chi tiết các quy định thực hiện theo quy chế tuyển sinh.
Trong đó các thiết bị công nghệ cao được đặc biệt lưu ý. Nhà trường đã tập huấn rất kỹ cho cán bộ coi thi để biết cách nhận biết các thiết bị này. “Tuy nhiên tình hình năm nay đã xuất hiện nhiều loại thiết bị công nghệ cao, chúng tôi yêu cầu cán bộ coi thi nếu không đánh giá được phải báo ngay với điểm trưởng” - ông Quang cho biết.
Bên cạnh đó, trường sẽ dán danh sách các thiết bị được phép mang vào phòng thi, đồng thời yêu cầu thí sinh phải trình báo cho cán bộ coi thi biết được các thiết bị mang vào phòng thi. TS Quang nói: “Các thiết bị công nghệ hiện đại tính năng phức tạp, khó nhìn nhận, thậm chí kể cả các loại máy tính cầm tay... thí sinh phải báo cho cán bộ coi thi”.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nơi vừa phát hiện và kỷ luật một sinh viên khoa chất lượng cao do sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử, đã cảnh giác cao độ với các thiết bị này.
Ngoài việc phổ biến hình ảnh nhiều loại thiết bị công nghệ cao đến các giám thị, hội đồng tuyển sinh, nhà trường còn lưu ý đến từng giám thị các loại máy tính cầm tay. “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy tính cầm tay có thẻ nhớ, soạn thảo được văn bản, chúng tôi đã lưu ý điều này đến tất cả cán bộ coi thi” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trrường - cho biết.
Cũng theo ông Dũng, tại tất cả các điểm thi của trường, ở mỗi phòng thi giám thị chuẩn bị sẵn tờ thông báo cho thí sinh: “Nếu thí sinh có nhu cầu mang theo loại máy nào vào phòng thi thì đăng ký”. “Mục đích việc làm này để nhà trường giám sát chặt chẽ và tìm hiểu thêm về các thiết bị công nghệ, đồng thời tạo điều kiện cho thí sinh mang vào phòng thi các thiết bị một cách minh bạch. Ngoài ra, dù thí sinh được phép mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình theo quy chế tuyển sinh nhưng cán bộ coi thi phải biết được để kiểm soát được, đảm bảo thí sinh đó không làm ảnh hưởng đến người khác trong giờ thi” - ông Dũng giải thích.
Tại các điểm thi thuộc hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), trước mỗi phòng thi đều dán nhiều thông tin thí sinh cần lưu ý, đồng thời nêu chi tiết những quy định cụ thể đối với thí sinh.
Ông Trần Tịnh Đức, trưởng cụm thi Quy Nhơn của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết: “Nếu thí sinh muốn mang theo máy móc, thiết bị gì ngoài quy định trên nhưng phù hợp quy chế phải báo cho giám thị. Trường hợp các em không thích đăng ký vẫn được sử dụng các thiết bị có chức năng xác định theo quy chế. Tuy nhiên, nếu phát hiện chúng tôi vẫn phải kiểm tra các thiết bị này”.
Ngăn chặn từ... dấu hiệu lạ?
Ông Kiều Xuân Thực - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - cho rằng ngay với một người giảng dạy ở chuyên ngành điện tử như ông cũng không thể phân biệt được thiết bị nào được mang vào phòng thi hay không theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
“Trong văn bản mới nhất của bộ, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin hướng dẫn thiết bị ghi âm, ghi hình mang được vào phòng thi phải bảo đảm ba nguyên tắc: không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, Wifi...). Tuy nhiên chỉ hai tiêu chí đầu là giám thị có thể giám sát được. Với đặc điểm không có chức năng truyền thông tin thì rất khó, chỉ có Cục Tần số vô tuyến mới phát hiện nổi. Những thiết bị tinh vi thậm chí có gửi đến cục cũng phải mất nhiều ngày mới cho kết quả” - ông Thực nói.
Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng giám thị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. “Bộ GD-ĐT cảnh báo những thiết bị hiện đại có thể bị thí sinh lợi dụng để quay cóp, nhưng không thể liệt kê tên từng loại vì thị trường rất phong phú. Vấn đề là giám thị phải giám sát chặt chẽ. Ví dụ thí sinh dùng đồng hồ hiển thị màn hình thì em đó cũng sẽ phải dùng tay điều chỉnh thiết bị, mắt liên tục nhìn đồng hồ. Với người dùng kính Google Glass cũng vậy, thí sinh vào phòng thi đeo kính kiểu đó cũng là không bình thường. Giám thị cần tập trung vào những dấu hiệu lạ đó để ngăn chặn tiêu cực”.
Vật dụng nào được mang vào phòng thi? |