Phụ huynh rối lòng khi con bị hành hung

Chị TL (quận 3) có con học lớp 7 tại một trường ngoài công lập ở quận Tân Bình (TP.HCM) vừa quyết định cho con chuyển qua một trường THCS công lập vào cuối học kỳ 1 này vì phát hiện con hay bị bắt nạt ở trường.

Chị L. cho hay trước đây con chị học trường công lập nhưng khi lên THCS, vì muốn con giỏi ngoại ngữ, có môi trường học tốt hơn nên chị đã cho con vào trường có yếu tố quốc tế. Đến năm lớp 7, được nửa học kỳ, chị thấy điểm thi của con thấp hơn năm lớp 6 nhiều, đứa bé có biểu hiện trầm cảm, tối ngủ hay mơ sảng. Tưởng con bệnh gì, chị đưa đi khám nhưng bác sĩ nói bé không có dấu hiệu bệnh tật nào. Dò hỏi qua một số bạn cùng lớp con kèm với sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, chị mới biết con mình hay bị các bạn cùng lớp bắt nạt.

Ở lớp, con chị bị hai bạn thường xuyên bắt chép bài, hễ hai bạn ấy thấy hài lòng thì sẽ để yên, còn không thì bắt em phải nộp phạt 10.000 đồng. Có khi các bạn chọc bằng cách không cho đi vệ sinh hoặc bắt đi vào nhà vệ sinh nữ để các bạn khác có cơ hội chọc ghẹo. Cứ như thế, con chị học xuống hẳn và hay lo lắng.

“Tôi đã làm việc với giáo viên để lưu ý những học sinh này nhưng tôi vẫn quyết định cho con chuyển trường để con không bị sợ hãi nữa. Nếu tôi biết sớm hơn thì đã có cách giải quyết khác. Hiện con tôi cũng chưa hòa nhập được nhiều nhưng mong sẽ ổn hơn” - chị L. tâm tư.

Cách đây hơn một năm, tại Cần Thơ cũng đã từng xảy ra tình trạng có một nhóm “nhí” gồm bảy học sinh của trường THCS Q. chuyên đi trấn lột tiền của bạn học cùng trường.

Theo phản ánh của một số phụ huynh, con em họ bị bạn học cùng trường trấn lột tiền mỗi ngày nhưng do bị hăm dọa, các em này sợ nên không dám báo với gia đình. Mỗi ngày các em phải cống nạp từ 15.000 đến 20.000 đồng cho nhóm này (do một em nữ sinh lớp 8 cầm đầu), có khi số tiền lên đến 70.000-80.000 đồng. Nếu con em họ không đưa thì sẽ bị dọa là “có chuyện”. Vì không muốn tình trạng này kéo dài, phụ huynh đã báo công an phường. Sau khi bị công an bắt quả tang nhóm này đang nhận tiền, gia đình các em đã bị mời lên làm việc và bảo lãnh. Phía nhà trường cũng kỷ luật để răn đe hành vi sai trái của các em.

▲▲▲

Các chuyên gia tâm lý giáo dục khuyên rằng cách tốt nhất trẻ cần làm trong những tình huống trên là phải biết mạnh mẽ kể ra vấn đề mình đang gặp phải với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh của mình. Phụ huynh các em khi biết chuyện phải làm việc với nhà trường và các phụ huynh khác để sớm giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng biện pháp báo với giáo viên, phụ huynh chỉ áp dụng được trong trường hợp học sinh đó bị chèn ép trong thời gian dài. Còn với những trường hợp bị hành hung ngay tức thì, học sinh phải có phản ứng chống trả mạnh mẽ ngay. Do đó các phụ huynh nên cho đi học võ từ sớm để đủ mạnh mẽ tỏ rõ thái độ nhằm tạm thời chặn đứng hành vi hành hung của các bạn, sau đó báo cho thầy cô và phụ huynh giải quyết.

‘Bất cứ điều gì bạn làm con khó chịu, cứ kể với ba’

Đọc những bài báo, xem những clip trên mạng về việc học sinh bị bạo hành, tôi không khỏi lo lắng cho đứa con mới học lớp 4 của mình.

Để con bị đánh, bị bắt nạt rồi mới giải quyết là điều không nên chút nào, vì lúc đó đứa trẻ đã bị tổn thương, có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường. Vì vậy, mỗi ngày khi chở con đến trường và đón con về, tôi luôn tâm tình, hỏi han con về chuyện trường, chuyện lớp. Qua đó, tôi nắm bắt được những suy nghĩ của con mình và nắm sơ bộ tình hình lớp cháu có học sinh/nhóm học sinh nào có biểu hiện ăn hiếp, bắt nạt bạn học hay không. Từng ngày, niềm vui, nỗi buồn của con mình ở trường tôi đều biết rõ. Thậm chí tính khí của cô chủ nhiệm, của thầy bộ môn cũng được tôi hình dung sơ bộ, tất nhiên là qua lăng kính của con mình.

Tôi luôn nói với con mình rằng bất kỳ điều gì ở trường làm con thấy lo lắng, sợ hãi thì nên nói với ba, kể cả khi bị cô giáo có lời lẽ nặng nề. Để tạo niềm tin, tôi phải hứa với con là không “méc” lại với cô giáo những điều con tâm sự khi cháu có yêu cầu. Bằng cách này, tôi hay nghe con kể lại về những người bạn ở lớp, trong đó có bạn hay có những hành động, lời nói kỳ quặc khiến con tôi khó chịu, có bạn có biểu hiện bắt nạt. Tôi phân tích cái nào nên góp ý với bạn, cái nào nên “cảnh cáo” nếu bạn lặp lại thì sẽ không chơi nữa… Con tôi nghe chăm chú, có lúc cháu “phản biện” lại, có lúc cháu đồng tình…

Có lần cháu kể bị hai bạn trai dọa nạt, thậm chí hay đánh thùm thụp vào người rồi cười toét miệng. Nói chuyện thỏa thuận với con xong, hôm sau khi đi đón, tôi đưa cho cháu mấy cái bánh sôcôla để cháu… chia cho hai bạn trai ấy. Đồng thời, tôi đưa tay chào hai cháu bằng cử chỉ thân thiện. Những ngày sau, con tôi báo lại hai bạn đã thân thiện, không còn đùa như cũ nữa…

Tôi hình dung khi con mình học cấp hai hoặc cấp ba, nếu có nhóm bạn nào đó có biểu hiện bắt nạt con mình, có lẽ tôi sẽ mời các cháu đi ăn kem hoặc vào quán cà phê để chuyện trò nhẹ nhàng. Như thế sẽ hiệu quả hơn là báo cho giáo viên chủ nhiệm hay nhà trường để các cháu bị trừng phạt, vì xét cho cùng các cháu cũng chỉ đang tuổi ăn, tuổi lớn…

NHẬT MINH (Tân Bình, TP.HCM)

______________________________

Con của bạn đã từng bị bắt nạt, hành hung hay bạn có những kinh nghiệm xử lý những tình huống tương tự, vui lòng chia sẻ với chúng tôi qua hộp thư phapluat@phapluattp.vn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm