Rào cản của ‘sách nói’ hiện nay

(PLO)-  Có nhiều tiềm năng và đang là một phần không thể thiếu của văn hóa đọc song hiện nay sách nói vướng không ít rào cản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại toạ đàm chủ đề: “Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng” diễn ra chiều 19-4, ông Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành) chỉ ra rằng bên cạnh khó khăn về đội ngũ sản xuất sách nói chưa đủ mạnh mẽ thì hành lang pháp lý, đặc biệt vấn đề bảo vệ bản quyền, thủ tục cũng là vấn đề nan giải với sách nói hiện nay.

Ông Nguyễn Nguyên- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (áo trắng) cùng các khách mời tại toạ đàm. Ảnh: Thuận Tùng

Ông Nguyễn Nguyên- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (áo trắng) cùng các khách mời tại toạ đàm. Ảnh: Thuận Tùng

Ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh, nếu không có sự đầu tư công nghệ thì không thể có sự đổi mới, nhân lực còn hạn chế. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức, bắt đầu từ các bạn trẻ đam mê và yêu sách.

Toạ đàm Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồnglà một trong những hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022; đồng thời giới thiệu sách nói – một trong các loại hình xuất bản phẩm điện tử được ưa chuộng gần đây, góp phần thúc đẩy Chuyển đổi số trong ngành xuất bản.

Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Trần Đại Chính (Chủ tịch Hội liên hiệp Thư viện miền Đông Nam Bộ) và ông Lê Hoàng Thạch (CEO ứng dụng Sách nói Voiz FM) cùng những bạn trẻ yêu sách.

Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu. Các khách mời nhận định, nhiều năm trở lại đây, việc thúc đầy văn hoá đọc đang ngày càng nhận được sự quan tâm. Nếu như trước đây, sách giấy là hình ảnh quen thuộc thì ngày nay không khó để bắt gặp hình ảnh cụ già, em nhỏ sử dụng smartphone để đọc, cập nhật tin tức.


Ông Trần Đại Chính chia sẻ chính hình ảnh đó đã đặt ra cho ngành in ấn - xuất bản, thư viện, rộng hơn là lĩnh vực thông tin cần chuyển mình để bắt kịp, đáp ứng thị hiếu của đông đảo bạn đọc. “Chúng ta cần làm tốt hiện tại và làm mới thói quen người đọc với sự kết hợp của công nghệ”- ông Chính khẳng định.

Ông Lê Hoàng Thạch- Giám đốc điều hành ứng dụng Sách nói Voiz FM cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực sách nói, ứng dụng công nghệ trong văn hóa đọc, khởi nguồn cũng theo bản năng, vì thấy rằng bản thân mình có nhu cầu nên phát sinh và lên ý tưởng. Ra mắt từ cuối năm 2019, với tuổi đời còn non trẻ nhưng Voiz FM đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều đối tác trong lĩnh vực xuất bản như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Tổng hợp…

Toạ đàm “Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng” ngày 19-4

Toạ đàm Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng” ngày 19-4

Về vấn đề độc quyền sách nói trên ứng dụng nghe sách, ông Lê Hoàng Thạch nói rằng đây là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi mọi người.

Từng nói về vấn đề này, Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, khẳng định việc không tôn trọng bản quyền sách đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến chính những bạn đọc. Bởi vì nó không đảm bảo được nguồn sách, sự chính xác, do sách đó không được xuất bản bởi những đơn vị xuất bản chính thống. Thực tế chứng minh nhiều đầu sách làm theo kiểu chụp giật, sai lỗi chính tả…

Điều quan trọng hơn, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN cho rằng khi người đọc sách không tôn trọng bản quyền chính là cách giết chết nền xuất bản, giết tác giả.

Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ I năm 2022 tại TP.HCM tổ chức tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra trong 6 ngày (từ 19-4 đến hết ngày 24-4) với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Đường sách TP.HCM và phố đi bộ Nguyễn Huệ là hai không gian chính tại TP.HCM sẽ diễn ra các hoạt động chào mừng sự kiện này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm