Từ danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam đầu tiên năm 2008 khi mới 20 tuổi, Thành Lương đã gây chú ý lớn cho người yêu bóng đá bởi tố chất của một quái kiệt trên sân cỏ. Liên tiếp các năm sau đó, Lương “dị” luôn nằm trong tốp 10 cầu thủ hay nhất và hai năm 2009-2011 đăng quang Quả bóng vàng Việt Nam. Kể cũng lạ ngay cả khi đội bóng Hà Nội ACB của anh rớt hạng thì giới chuyên môn vẫn nhìn nhận rất rõ ràng và xứng đáng giá trị của Lương “dị” mà không ngần ngại đặt bút tôn vinh cho danh hiệu cao quý của báo Sài Gòn Giải Phóng.
Suốt tám năm qua, cái tên Phạm Thành Lương thường là một trong những chọn lựa đầu tiên của các đời HLV ở các đội tuyển quốc gia.
Riêng tôi lại thích thú hơn với Phạm Thành Lương ở cái chữ “dị” theo nghĩa bình dị của một tuyển thủ quốc gia nổi tiếng nhưng rất thân thiện, tình cảm, dễ gần và dễ mủi lòng trước một sự kiện của nghiệp cầu thủ.
Thành Lương lần thứ ba đăng quang Quả bóng vàng Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY
Nhớ lần ghi bàn thắng đầu tiên vào lưới Malaysia ở AFF Cup 2008, Lương “dị” mừng như một đứa trẻ con bất ngờ rút trong giày ra một lá cờ nhỏ chạy lăng xăng quanh sân cười tít mắt. Lần đầu tiên đá cho đội tuyển quốc gia vô địch Đông Nam Á, cầu thủ mặc áo số 19 rộng thùng thình ướt đầm đìa mồ hôi lên bục nhận huy chương vàng đã rơi nước mắt vì hạnh phúc.
Rồi cũng có những giọt nước mắt đau đớn và hờn tủi của Thành Lương như cái lần va chạm với cầu thủ Indonesia bị vỡ đầu may tám mũi, hay lần bị Malaysia qua mặt ở SEA Games 2009 khi cứ ngỡ vàng SEA Games đã nằm trong túi,…
Thế nhưng không một ai có thể chê trách Lương “dị” hễ ra sân là chơi bóng với ý chí mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm, cùng cái chân trái lắt léo luôn làm điêu đứng hàng phòng ngự đối phương.
Lương “dị” có thể rất tinh quái khi có bóng trong chân khác hẳn với sự hồn hậu, dễ mến ở ngoài đời. Chân sút của Hà Nội T&T rất nhút nhát cho đến lúc… lấy vợ, cả đội bóng mới ngã ngửa vì bất ngờ cứ như nhiều lần Lương “dị” từng ra chân ghi bàn rất đẹp và ngẫu hứng.
Giới hâm mộ còn yêu mến Lương “dị” nhiều hơn ở những nghĩa cử đẹp và gần gũi mà không cần phải “lên gân”. Nhớ có lần Thành Lương lặng lẽ lấy chiếc áo đấu của mình ký tặng lên đấy rồi trân trọng cầm tặng cho một thương binh ngồi trên chiếc xe lăn ở sân Thanh Hóa khiến anh cựu chiến binh cảm động không nói nên lời.
Cũng không ai quên hành động tương thân tương ái của Thành Lương khi mang bông băng của bác sĩ đội tuyển đưa lên khán đài sân Shah Alam (Malaysia) giúp cổ động viên Việt Nam bị hành hung cầm máu vết thương ở trận bán kết lượt đi AFF Cup. Cho đến lúc nhận giải Fair Play 2014 của báo Pháp Luật TP.HCM, chân sút nhỏ nhắn vẫn còn bẽn lẽn: “Em nghĩ việc làm nhỏ như thế thì ai ở hoàn cảnh của em cũng làm vậy thôi mà…”.
Cứ hồn nhiên và bình dị như thế nhé, Lương “dị”!