Quan hệ lao động nhất thiết phải có thỏa ước tập thể

Ông Erik Andersson, đại diện Liên đoàn Lao động Thụy Điển, lưu ý như vậy tại hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua quan hệ lao động do Đại sứ quán Thụy Điển và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM tổ chức vào ngày 12-4.

Ông Erik Andersson cho rằng để thiết lập trật tự quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN) nhất thiết phải có thỏa ước lao động tập thể, đồng thời các bên (người sử dụng lao động và người lao động) tôn trọng lẫn nhau dù cương vị hoàn toàn khác nhau.

Theo ông Erik Andersson, Thụy Điển nổi tiếng toàn cầu trong quan hệ lao động chính là từ thỏa thuận đạt được giữa giới chủ và người lao động mà không cần nhà nước tham gia hay can thiệp. Ông giải thích thêm: “Đồng thuận không có nghĩa là các chủ thể luôn luôn đồng ý với nhau nhưng thông qua thương lượng hòa bình, họ sẽ đạt được thỏa thuận chung mà hai bên đã ký kết”.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khuyến nghị hiện nay ngoài chất lượng sản phẩm, khách hàng ở châu Âu, Nhật Bản thường quan tâm đến sản phẩm đó có bị bóc lột sức lao động, sản phẩm có gây hại môi trường hay không. Đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (năm 2018), thuế sẽ giảm, ngược lại các rào cản phi thương mại khác lại dựng lên, trong đó yêu cầu trách nhiệm xã hội của DN phải cao hơn, cụ thể là quan hệ lao động tại DN phải ổn định, hài hòa để giữ đội ngũ nhân viên.

Bà Camilla Mellander, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, cho rằng các DN ở Việt Nam nên chú trọng và hiểu rõ hơn tầm quan trọng trách nhiệm xã hội của DN khi tham gia EVFTA. Người tiêu dùng ngày càng có ý thức rõ hơn về cách các sản phẩm họ mua đã được sản xuất trong điều kiện môi trường và lao động như thế nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm