17 giờ ngày 24-11 (giờ địa phương), NATO đã triệu tập cuộc họp đặc biệt gồm 28 nước thành viên tại Brussels (Bỉ) theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sử dụng tên lửa không đối không
Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố quân đội một nước thành viên NATO bắn rơi máy bay Nga (hoặc Liên Xô cũ) kể từ thập niên 1950.
Bộ Quốc phòng Nga phát thông báo khẳng định một máy bay Su-24 của không quân Nga triển khai ở Syria đã bị máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 24-11.
Thông báo khẳng định máy bay Nga bị bắn rơi ở độ cao 6.000 m vào lúc máy bay đang bay trên không phận Syria.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ lại thông báo sáng 24-11, hai máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay quân sự Nga do máy bay vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong vòng năm phút đã cảnh báo 10 lần rồi mới bắn hạ.
Ngay sau đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã trao đổi với tướng tham mưu trưởng Hulusi Akar và Ngoại trưởng Feridun Sinirlioglu rồi quyết định thông báo sự việc với NATO và LHQ.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Tổng thống Nga Putin đã thông báo máy bay Su-24 của Nga bay cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 1 km, không hề đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã bị máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn một tên lửa không đối không và rơi cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4 km.
Ông nói sự kiện này đã vượt qua khuôn khổ đấu tranh chống khủng bố thông thường.
Hình ảnh máy bay Nga bị bắn rơi và phi công được cho là bị bắn chết. Ảnh: AFP
Số phận hai phi công
Ngay sau khi có thông tin máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, các kênh truyền hình NTV và CNN-Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hình một máy bay quân sự bốc cháy rơi xuống đất.
CNN-Thổ Nhĩ Kỳ còn đưa tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố biểu đồ radar của máy bay Nga bị bắn hạ.
Ban đầu Bộ Quốc phòng Nga thông báo hai phi công đã nhảy dù ra khỏi máy bay và Nga đang xác định vị trí của họ.
Hãng tin Dogan News (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin các trực thăng Nga đã bay đến hiện trường tìm kiếm hai phi công.
Sau đó, hãng tin Sputnik đưa tin hai phi công nhảy dù an toàn nhưng một phi công đã bị các tay súng Quân đội Tự do Syria (quân nổi dậy chống chính phủ Syria) bắt giữ.
Trong khi đó, Reuters công bố một cuộn băng video ghi hình do quân nổi dậy Syria gửi cho thấy một người đàn ông nằm bất động dưới đất và có dấu vết bị thương nặng.
Trong những người vây quanh thi thể có tiếng nói “phi công Nga”.
Người phát ngôn của quân nổi dậy Syria cho biết một phi công đã chết nhưng lại không nói gì đến phi công thứ hai.
AFP dẫn nguồn tin từ quân nổi dậy Syria cho biết quân nổi dậy Syria đã bắn chết phi công thứ nhất sau khi phi công nhảy dù tiếp đất và phi công thứ hai đã mất tích.
Một sự cố rất nghiêm trọng
Đài truyền hình RT (Nga) đưa tin Bộ Quốc phòng Nga đã triệu tập tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow đến.
Người phát ngôn tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Nga đánh giá sự kiện phá hủy máy bay ném bom Nga ở Syria là một sự cố rất nghiêm trọng.
Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman lên án: “Có nghi ngờ rằng Thổ Nhĩ Kỳ ngấm ngầm phối hợp với Nhà nước Hồi giáo”. Ông nhận xét không quân Nga đang đánh Nhà nước Hồi giáo tự xưng, do đó vụ bắn rơi máy bay Nga là một biện pháp cực kỳ cực đoan và chỉ làm tình hình thêm nghiêm trọng.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ phát biểu hết sức gây hấn: “Bây giờ các ông cần hiểu phải đánh giá nghiêm túc lời nói và cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ. Đừng thử thách lòng kiên nhẫn của Thổ Nhĩ Kỳ…”.
Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nhận xét nếu có máy bay xâm nhập thì ít ra phải bắn cảnh cáo trước chứ bắn hạ luôn là phản ứng quá cứng rắn.
Quốc vương Jordan đã kêu gọi liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng nên có tiến trình phối hợp tốt hơn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi: “Trong giờ phút hiểm nguy này, mọi người cần giữ bình tĩnh”.
Người phát ngôn LHQ Ahmad Fawzi đánh giá sự cố này sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực chống khủng bố ở Syria.
Tàu sân bay Pháp tham chiến lần đầu tiên ở Syria Báo Le Monde (Pháp) đưa tin tối 23-11, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo lúc 19 giờ 30 cùng ngày, bốn máy bay Rafale đã xuất kích từ tàu sân bay Pháp Charles-de-Gaulle ở phía đông Địa Trung Hải cùng hai máy bay Mirage 2000 của Pháp từ Jordan đã cùng bay đến không phận Syria để ném bom. Nhiều cơ sở hạ tầng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Raqqa (Syria) bị phá hủy, trong đó có một trung tâm chỉ huy, một kho xe và xưởng bảo trì. Trước đó, trưa 23-11, bốn máy bay Rafale cất cánh từ tàu sân bay Charles-de-Gaulle đã bay đến Iraq yểm trợ cho quân đội Iraq đang đánh quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Ramadi và Mosul. Tại Ramadi, một toán quân khủng bố bị loại khỏi vòng chiến. Còn tại Mosul, một vị trí pháo binh của chúng bị phá hủy. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Charles-de-Gaulle tham chiến ở Syria. Chiến dịch kéo dài gần bảy tiếng. Các máy bay trên tàu phải bay vòng trên Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan để vào Syria nhằm tránh phòng không Syria. Các máy bay Pháp đã phối hợp với trung tâm chiến dịch không kích của liên minh (do Mỹ đứng đầu) đặt ở Qatar. Bốn máy bay Rafale đã được máy bay của liên minh tiếp tế nhiên liệu trên không. Mất mát hôm nay là một nhát dao đâm sau lưng chúng tôi do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện… Tôi hiểu mỗi quốc gia đều có lợi ích khu vực riêng và chúng tôi luôn đối xử trân trọng. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ khoan dung cho các tội ác như thế. Tổng thống Nga PUTIN _____________________________________ Nghĩa vụ quốc gia của chúng tôi là tiến hành mọi biện pháp cần thiết để chống lại bất kỳ ai vi phạm không phận hay biên giới của chúng tôi. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ AHMET DAVUTOGLU |