Ngày 12-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020. Điểm đáng chú ý, Quốc hội đồng ý điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng tăng theo. Việc tăng lương cơ sở sẽ thực hiện từ ngày 1-7-2020.
Quốc hội yêu cầu thực hiện các quy định đã có về tạo nguồn cải cách tiền lương nhưng đồng thời phải triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Từ năm 2019, dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Việc tiết kiệm, Quốc hội yêu cầu tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành.
Nguồn để tăng lương cũng được lấy từ các khoản thu như tiền thuê đất một lần, xử lý tài sản công, tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu. Cùng đó là nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước...
Ngân sách của các địa phương có một khoản được dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập. Khoản này có 50% dùng bổ sung cho cải cách tiền lương thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp.
Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với đối tượng do ngân sách bảo đảm, trợ cấp, ưu đãi người có công, hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không cân đối được nguồn sẽ do trung ương bảo đảm.
Nguồn cải cách tiền lương nếu còn dư thì các địa phương được dùng để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.
Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, nếu bảo đảm được nguồn kinh phí để cải cách tiền lương và thực hiện chính sách an sinh xã hội đến năm 2025, không cần trung ương hỗ trợ thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển.
Năm 2020, chi lớn hơn thu Dự toán NSNN năm 2020 có những điểm chính như sau: 1. Tổng số thu NSNN là 1.512.300 tỉ đồng. 2. Tổng số chi NSNN là 1.747.100 tỉ đồng. 3. Mức bội chi NSNN là 234.800 tỉ đồng. 4. Tổng mức vay của NSNN là hơn 488.921 tỉ đồng. |