Biến thể Omicron: Chặn được, nhưng bằng cách nào?

Cả thế giới đang khẩn trương tìm hiểu độc tính và khả năng lây lan của biến thể Omicron cũng như theo dõi chặt đường đi của nó, vài ngày sau khi biến thể này được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và sau đó bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào nhóm biến thể “đáng lo ngại”.

 Không có lý do để hoảng loạn trước biến thể Omicron khi các dữ liệu vẫn chưa được làm rõ - hãng tin Sputnik dẫn lời đại diện WHO tại Nga Melita Vujnovic ngày 27-11. Bà Angelique Coetze, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, nói với Sputnik rằng tới thời điểm này biến thể Omicron chỉ gây bệnh nhẹ, không có triệu chứng rõ ràng.

Biến thể Omicron tự do như “cơn gió”

Sau Nam Phi tới Botswana, Bỉ, Hong Kong, Israel phát hiện biến thể Omicron và ngày 27-11, biến thể này đã có mặt thêm ở hàng loạt nước: Anh (hai ca), Ý (một ca), Đức (hai ca), phần lớn đều liên quan người sang từ Nam Phi.

Mỹ chưa ghi nhận có ca nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia, cố vấn cấp cao đội chống COVID-19 của Nhà Trắng, nói với đài NBC News rằng ông “sẽ không ngạc nhiên” nếu Mỹ phát hiện có ca nhiễm biến thể mới này.

Nhà dịch tễ học Michael Osterholm ở ĐH Minnesota (Mỹ) cho rằng thực tế các ca nhiễm Omicron đã lan tràn ra nhiều nước cho thấy biến thể này đã được tự do và chuyện cố gắng kiềm hãm biến thể Omicron cũng giống như “cố gắng kiềm cơn gió lại”.

Nhà dịch tễ học Rowland Kao tại ĐH Edinburgh (Anh) nói rằng ông “không thực sự ngạc nhiên” trước sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng như các biến thể khác có thể sẽ còn xuất hiện sau đó. Còn theo nhà dịch tễ học Osterholm thì “chúng tôi đã nói từ lâu là không có lý do gì để tin rằng Delta là ông vua cuối cùng của các biến thể”.

Mọi người xếp hàng tại sân bay Johannesburg chờ lên máy bay rời Nam Phi. Ảnh: AP

Theo nhà dịch tễ học lâm sàng Deepti Gurdasani, tại ĐH Queen Mary London (Anh), tất cả virus, bao gồm virus SARS-CoV-2, đều tiến triển theo thời gian và khi virus nhân lên hoặc tạo bản sao của chính nó, có thể xảy ra những thay đổi nhỏ hoặc các “đột biến”. Khi virus lây lan rộng rãi trong một quần thể thì khả năng đột biến của nó sẽ càng cao hơn.

“Chỉ cần virus tái tạo, nó sẽ đột biến. Giống như việc bạn mua một tờ vé số thì khả năng trúng thưởng thấp nhưng nếu bạn mua một triệu tờ vé số, rất có thể bạn sẽ trúng thưởng, và virus cũng vậy” - bà Gurdasani giải thích.

Hầu hết các đột biến không đáng lo ngại nhưng nếu chúng tác động đến khả năng lây lan của virus hoặc độc lực của nó, nghĩa là khả năng gây hại của nó, thì hậu quả có thể rất thảm khốc, theo bà Gurdasani.

Hy vọng tốt nhất: Phủ vaccine toàn cầu

Chuyện virus liên tục biến đổi là không có gì lạ và phủ sóng tiêm chủng rộng là một trong những cách quan trọng nhất để ngăn chặn điều này, nhiều nhà khoa học nói với NBC News ngày 27-11.

Từ những ngày đầu của đại dịch, WHO và các nhà khoa học khắp nơi đã kêu gọi cộng đồng thế giới nỗ lực hết sức có thể để đảm bảo tất cả quốc gia tiếp cận được với vaccine để cắt đà lây lan của virus và ngăn virus tiến hóa ra các biến thể mới.

Trang web của WHO ghi rõ rằng sự tiếp cận vaccine trên toàn thế giới “mang lại hy vọng tốt nhất cho việc làm chậm đại dịch, bảo vệ sinh mạng và đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Trên Twitter ngày 27-11, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc xuất hiện biến thể Omicron với một lượng lớn đột biến (32) trong đó có một số đột biến đáng lo ngại cho thấy tại sao phải đẩy nhanh nỗ lực phân phối vaccine công bằng để bảo vệ những người dễ tổn thương nhất ở các nơi.

Theo nhà dịch tễ học Rowland Kao, “lý tưởng là mọi người đều được tiêm ngừa cùng lúc”. Thời gian càng kéo dài thì cơ hội để trộn lẫn giữa người đã được tiêm ngừa và chưa được tiêm ngừa sẽ nhiều hơn, điều này có thể sẽ giúp virus lây lan mạnh hơn và tạo nhiều cơ hội xuất hiện các đột biến.

Có vẻ việc phủ vaccine toàn cầu để ngăn chặn virus biến đổi không chỉ là sự sốt ruột của các nhà khoa học. Ngày 26-11 Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng rằng “tin tức về biến thể mới này làm rõ ràng hơn bao giờ hết tại sao đại dịch này sẽ chưa chấm dứt chừng nào chúng ta tiêm chủng được toàn cầu”. Tổng thống Biden còn đề cập chuyện từ bỏ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, chia sẻ công thức vaccine để các công ty dược sản xuất cung cấp rộng ra toàn cầu.•

Nam Phi: Khoa học nên được hoan nghênh chứ không phải bị
trừng phạt!

Ngày 27-11, Bộ Ngoại giao Nam Phi phàn nàn rằng việc các nước siết đi lại “giống như trừng phạt Nam Phi vì có hệ thống trình tự gen tiên tiến và có khả năng phát hiện các biến thể mới nhanh hơn”, theo hãng tin AFP. Theo Bộ Ngoại giao Nam Phi, “khoa học xuất sắc nên được hoan nghênh chứ không phải bị trừng phạt”.

Bộ Ngoại giao Nam Phi cho rằng trước đây cũng có các biến thể mới được phát hiện ở những nơi khác trên thế giới nhưng phản ứng đối với các quốc gia đó hoàn toàn khác với các trường hợp ở Nam Phi.

Trước lệnh cấm bay đột ngột từ nhiều nước, vài ngày qua rất nhiều du khách đã kéo đến sân bay quốc tế Johannesburg (Nam Phi), cố gắng chen chúc trên những chuyến bay cuối cùng trở về nước.

“Thật nực cười, chúng ta sẽ luôn có những biến thể mới. Nam Phi đã tìm thấy nó nhưng có lẽ nó đã ở khắp nơi trên thế giới” - du khách người Anh David Good phản ứng với lệnh cấm.

Vì biến thể Omicron, nhiều nước EU, Mỹ, Úc, Nhật, Nga, Hong Kong, Canada, Israel… đã siết đi lại với Nam Phi và một số nước châu Phi khác như Botswana, eSwatini, Lesotho, Namibia, Zambia, Mozambique, Malawi và Zimbabwe. WHO phản đối động thái “vội vàng” này.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm