Chảo lửa Syria sẽ dịu đi hay nóng thêm?

Chảo lửa Syria đang cực kỳ nóng với chiến dịch Mùa xuân hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào lực lượng tay súng người Kurd (YPG) ở đông bắc Syria. Tình hình càng phức tạp thêm khi quân chính phủ Syria kéo về đông bắc Syria đối phó với các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận với người Kurd.

Chính phủ Syria triển khai quân chỉ vài giờ sau khi Mỹ thông báo rút toàn bộ 1.000 quân khỏi đông bắc Syria. Tính đến sáng 15-10, Mỹ đã rút 260 binh sĩ khỏi khu vực. Có thể nói thỏa thuận này là sự thay đổi lớn trong liên minh của YPG vốn cho rằng mình đã bị Mỹ “đâm sau lưng” khi rút quân khỏi khu vực. YPG là lực lượng chính của tổ chức Các lực lượng dân chủ Syria (SDF), là đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. YPG đã sát cánh bên cạnh quân Mỹ từ năm 2014 đánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Quân Thổ Nhĩ Kỳ, quân Syria khó tránh đụng độ

Truyền thông nhà nước Syria cập nhật đến cuối ngày 14-10, quân chính phủ nước này đã vào được thị trấn Manbij thuộc tỉnh Aleppo ở đông bắc, nơi Thổ Nhĩ Kỳ muốn quét sạch các tay súng người Kurd, lập một “vùng an toàn” để đưa người tị nạn Syria về. Manbij nằm trong quyền kiểm soát của YPG từ năm 2016 sau khi đánh đuổi IS, đồng thời là cứ điểm của quân Mỹ từ năm 2017. Đây là lần đầu tiên quân chính phủ Syria hiện diện ở đông bắc nước này kể từ năm 2012.

Nguy cơ đụng độ giữa quân chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn khi đài truyền hình NTV (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết các lực lượng đặc biệt và lực lượng đặc công Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến về Manbij từ chiều 14-10. Các lực lượng tay súng Syria (FSA - chủ yếu là các tay súng nổi dậy từng chiến đấu chống lại chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng sau đó quay sang sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đang tiến về Manbij.

Theo lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thì qua gần một tuần thực hiện chiến dịch, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được 21 ngôi làng của người Kurd, kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng 109 km2. Trong đó có TP Ras al-Ain (tỉnh al-Hasakah) và thị trấn Tell Abyad (tỉnh Raqqa), hai địa phương mà Thổ Nhĩ Kỳ định sẽ lập “vùng an toàn”. Theo đài Al-Jazeera thì thời điểm này quân chính phủ Syria chưa triển khai đến Tell Abyad và Ras al-Ain.

Ngày 15-10, Thổ Nhĩ Kỳ nói mình đã tiêu diệt được gần 600 tay súng YPG trong sáu ngày chiến dịch nhưng YPG xác nhận 56 tay súng thiệt mạng. Phía Thổ Nhĩ Kỳ có bốn binh sĩ và 16 tay súng Syria thiệt mạng. Ít nhất gần 70 dân thường thiệt mạng, 160.000 dân thường phải sơ tán, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.

Giao tranh lan đến nhiều khu vực gần các trại giam giữ tù nhân IS dẫn đến lo ngại IS có thể hồi sinh. Trước mắt Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ nhận trách nhiệm tiêu diệt các tù nhân IS trốn thoát.

Quân chính phủ Syria đến ngoại ô thị trấn Manbij, tỉnh Aleppo, Syria. Ảnh: ALMASDAR NEWS

Các nước khó để yên

Chiến dịch quân sự đánh vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ gặp phản ứng mạnh từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Ả Rập.

Dù quyết định rút quân để tránh rủi ro nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đe dọa “hủy diệt toàn diện và xóa sạch” kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu chiến dịch Mùa xuân hòa bình đi quá xa. Quốc hội Mỹ đang cân nhắc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ làm áp lực để buộc nước này chấm dứt chiến dịch. Chưa biết cụ thể sẽ thế nào nhưng trước mắt ông Trump có nói đến khả năng ngừng đàm phán một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỉ USD, tăng mức thuế lên tới 50% đối với mặt hàng nhôm Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo sẽ thúc giục các đồng minh NATO trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Nói với hãng tin Reuters ngày 14-10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết ông Trump rất lo ngại về sự mất ổn định của khu vực và đã chỉ đạo ông cùng Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien dẫn phái đoàn sang Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại về chiến dịch.

Khủng hoảng ở đông bắc Syria cũng là khủng hoảng của NATO. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, chiến dịch quân sự đánh vào Syria cùng với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã khiến nội bộ NATO chia rẽ. Về phần mình, EU đồng lòng lên án chiến dịch đánh vào Syria và yêu cầu toàn bộ 28 nước ngưng bán vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ. EU cũng đang cân nhắc khả năng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Trừng phạt sẽ là một đòn cốt tử với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhiều nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ với thực tế nhiều năm chìm trong suy thoái và giá trị đồng tiền liên tục giảm sẽ không đủ sức chống chọi. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc rất lớn vào EU - thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu, đồng thời là nguồn đầu tư nước ngoài chính của nước này.

Nga đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được để chiến dịch ảnh hưởng đến tiến trình dàn xếp chính trị ở Syria.

Ông YURI USHAKOVcố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Tổng thống Nga Vladimir Putin 

Hồi hộp chờ diễn biến

Với áp lực từ quốc tế, vẫn chưa biết thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới sẽ thế nào khi theo nhà nghiên cứu Haid Haid thuộc tổ chức phi lợi nhuận Chatham House (Anh - chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế), chuyện mở rộng ảnh hưởng ở đông bắc Syria rất quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyên gia Murat Yesiltas, Giám đốc nghiên cứu an ninh tại tổ chức SETA (Thổ Nhĩ Kỳ - nghiên cứu về chính trị, kinh tế, xã hội), cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực chiếm thế thượng phong ở Manbij.

Nhiều nhà phân tích cho rằng trước mắt Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng tránh xung đột trực tiếp với quân chính phủ Syria vốn được Nga và Iran ủng hộ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ những gì mình đạt được và sẽ tiến sâu hơn nữa vào lãnh thổ Syria đến khi đạt được mục tiêu chiến dịch của mình.

Điều này đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định ngày 14-10. Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thu nhỏ quy mô chiến dịch “dù ai có nói gì”, sẽ tiếp tục đến khi nào “đạt được thắng lợi cuối cùng”.

50 quả bom hạt nhân B61 của Mỹ đang được đặt tại căn cứ quân sự İncirlik do Mỹ kiểm soát ở Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới với Syria khoảng 160 km, có thể sẽ được Thổ Nhĩ kỳ dùng làm con bài thương lượng trong diễn biến liên quan đến chiến dịch quân sự ở Syria.

Mỹ triển khai bom hạt nhân đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng bốn nước NATO khác từ thời Chiến tranh lạnh. News York Times ngày 14-10 dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng các quả bom này đã trở thành “con tin” của ông Erdogan và nếu Mỹ di chuyển chúng khỏi căn cứ İncirlik thì xem như liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ chấm dứt.

Chuyện bàn bạc di dời số bom này ba thập niên nay gặp phản đối mạnh từ nhiều nước NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ vốn xem số bom này là biểu tượng giá trị của cam kết Mỹ với quốc phòng nước mình. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm