Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lưu Hạc vào chiều 22-2 (giờ Mỹ, tức sáng 23-2 giờ Việt Nam) liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa hai nước, hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ) đưa tin.
Ông Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn TQ trở qua Mỹ sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuần trước dẫn một phái đoàn Mỹ sang Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng được đích thân Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đón tiếp. Tại cuộc gặp, ông Tập lạc quan rằng đàm phán giữa hai nước đạt được nhiều tiến triển quan trọng, mong muốn hai nước cùng nhân nhượng để có thể đi đến một thỏa thuận hai bên cùng chấp nhận được.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 21-2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đang có một “tiến trình thật sự” giữa Mỹ và TQ. Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Lưu Hạc là một tín hiệu tích cực nữa cho thấy quá trình đàm phán đang tiến triển tốt, khả năng sẽ đưa đến cuộc gặp trực tiếp giữa ông Trump và ông Tập.
Xúc tiến bàn nội dung thỏa thuận
Ngày 21-2, hai phái đoàn thương mại Mỹ, Trung gặp nhau tại Nhà Trắng. Cuộc đàm phán diễn ra trong chín tiếng. Bộ Thương mại TQ ngày 21-2 từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán, bình luận nào về kết quả đàm phán. Người phát ngôn của ông Lighthizer cũng từ chối bình luận.
Tuy nhiên, có thông tin các nhà thương lượng đang bàn về một bản ghi nhớ bao gồm các nội dung cơ bản của một thỏa thuận cuối cùng. Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ nội dung bản ghi nhớ này bao gồm nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, tiền tệ.
Trước đó hãng tin Reuters (Mỹ) cũng cho biết hai bên đã bắt đầu bàn bạc từ ngữ để soạn thảo bản ghi nhớ về các nội dung cải cách của TQ. Thực ra theo nguồn tin của kênh tài chính CNBC (Mỹ) thì hai bên đã bắt đầu xúc tiến bàn về từ ngữ và vạch ra các nghĩa vụ của mỗi bên từ vòng đàm phán tuần trước ở Bắc Kinh.
Trong các vấn đề được hai bên thảo luận có cơ chế nhằm đảm bảo TQ sẽ tuân thủ các điều khoản. Theo nguồn tin của Bloomberg, cơ chế chưa được rõ nhưng khả năng lớn là hình thức Mỹ sẽ khôi phục đánh thuế nếu các điều kiện không được thi hành.
Việc hai nước đi tới bước bắt tay bàn bạc các nội dung thỏa thuận là một bước tiến hết sức đáng chú ý. Một số nguồn tin chính phủ TQ nói với Reuters rằng hai nước về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận về giảm nhẹ mất cân bằng thương mại, tuy nhiên hai bên vẫn còn một số bất đồng về “các yêu cầu cốt lõi” của mỗi bên.
Bên cạnh đó Mỹ cũng yêu cầu TQ giữ ổn định đồng nhân dân tệ, không phá giá tiền tệ. Ngày 20-2, TQ khẳng định sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ như một công cụ đối phó chiến tranh thương mại với Mỹ.
Hai phái đoàn thương mại Mỹ (trái) và TQ (phải) đàm phán tại Nhà Trắng ngày 21-2. Ảnh: REUTERS
Quyết định cuối cùng tùy hai ông Trump, Tập
Ngoài sự mất cân bằng thương mại - điều ông Trump phàn nàn nhiều nhất, Mỹ còn bất mãn với hàng loạt chính sách kinh tế, thương mại của TQ và đang thúc giục TQ giao dịch thương mại “công bằng, có qua có lại”.
Nổi bật nhất trong số các bất đồng là về chuyển giao công nghệ và bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ. Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc TQ ăn cắp các thành quả nghiên cứu và phát triển công nghệ của mình để làm lợi cho đà phát triển của mình, buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các công ty TQ như một điều kiện để được làm ăn tại thị trường TQ.
Có tiến triển lớn trên rất nhiều mặt trận! Tổng thống Mỹ DONALD TRUMP viết trên Twitter cuối tuần rồi |
TQ luôn bác bỏ các cáo buộc này, khẳng định mình chưa bao giờ ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và đã vào cuộc tranh luận nhằm thông qua luật quy định hành vi này là bất hợp pháp.
Trước mắt, Reuters dẫn một số nguồn tin quan chức chính phủ TQ cho biết hai bên đã đạt được sự đồng lòng về các biện pháp giảm mất cân bằng thương mại. Năm 2017, TQ mua tổng cộng 24,2 tỉ USD hàng nông nghiệp Mỹ. Sang năm 2018 tổng lượng hàng nông nghiệp TQ mua từ Mỹ giảm tới 1/3, chỉ còn 16 tỉ USD. Thiếu hụt thương mại của Mỹ với TQ lên tới con số 382 tỉ USD trong 11 tháng của năm 2018.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, TQ vừa đề xuất mua thêm 30 tỉ USD hàng nông nghiệp Mỹ để giảm thiếu hụt thương mại với Mỹ. Ngoài nông nghiệp TQ còn đang tính nhập khẩu thêm các sản phẩm năng lượng, chất bán dẫn từ Mỹ.
Dù diễn tiến đang có vẻ tốt đẹp nhưng kết quả sẽ chưa có ngay sau vòng đàm phán mới nhất này ở Washington. Hiện cũng đang có một chiến dịch vận động để có thể kéo dài thời gian đình chiến thương mại qua ngày 1-3. Theo một quan chức TQ, nếu mọi nỗ lực của hai bên vẫn không giúp tháo gỡ được mọi bất đồng thì quyết định cuối cùng tùy vào hai ông Trump, Tập.
Vai trò quan trọng của ông Lighthizer Mỹ và TQ đi đến bước này không thể không nhắc đến vai trò của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ông Lighthizer được chính ông Trump chọn vào vị trí dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với TQ ngay sau khi ông với ông Tập thống nhất đình chiến thương mại 90 ngày. Ông Lighthizer là người thứ ba được chỉ định dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với TQ từ năm 2017, sau Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Cả hai ông Ross và Mnuchin đều đã không thể đạt được thỏa thuận với TQ. Ông Lighthizer được biết rất cứng rắn với TQ, khó thương lượng. Thập niên 1980, ông Lighthizer nổi danh trong giới quan chức Nhật với tên gọi “người tên lửa”, sau khi ném bay vèo bộ đề xuất như một chiếc máy bay trong cuộc thương lượng với phía Nhật. |