Ngày 18-6, Ngoại trưởng Indonesia – bà Retno Marsudi tuyên bố “không có lý do để thương lượng” với Trung Quốc về Biển Đông, theo trang tin BenarNews.
Ngoại trưởng Marsudi khẳng định quan điểm của Indonesia là tuyên bố chủ quyền của nước này không chồng lấn tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Quan điểm của Indonesia rất rõ ràng rằng, dựa trên UNCLOS 1982 (Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển), không có tuyên bố chồng lấn nào với Trung Quốc. Do đó không có lý do gì để thương lượng” – Ngoại trưởng Marsudi tuyên bố trong cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta ngày 18-6.
Phát ngôn của bà Marsudi đến vài ngày sau khi Indonesia ngày 12-6 gửi lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres một công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc gửi lên Tổng Thư ký Guterres trước đó 10 ngày.
Công hàm của Trung Quốc gửi Tổng Thư ký LHQ Gutteres đề ngày 2-6, cũng nhằm phản đối công hàm trước đó của Indonesia gửi lên ông Gutteres ngày 26-5 bác bỏ bản đồ đường lưỡi bò và tuyên bố chủ quyền theo lịch sử của Trung Quốc gần như toàn bộ Biển Đông.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) thăm một căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna gần Biển Đông, ngày 9-1. Ảnh: ANTARA/REUTERS
Trong công hàm này Trung Quốc có mời Indonesia thương lượng cho cái mà nước này gọi là “các tuyên bố quyền và quyền lợi hàng hải chồng lấn” ở Biển Đông.
“Không có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Indonesia ở Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc và Indonesia có các tuyên bố chồng lấn về quyền hàng hải và quyền lợi hàng hải ở một số khu vực ở Biển Đông. Trung Quốc muốn dàn xếp các tuyên bố chồng lấn này thông qua thương lượng và tham vấn ngoại giao với Indonesia” – theo công hàm của phía Trung Quốc gửi lên LHQ.
Trong công hàm gửi lên Tổng Thư ký LHQ Gutteres ngày 12-6, Indonesia nói các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) không được tính là có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa, và vì thế không thể chồng lấn lên EEZ hay thềm lục địa của Indonesia.
Indonesia cũng bác tuyên bố của Trung Quốc rằng mình có quyền lịch sử ở một số khu vực Biển Đông vốn chồng lấn lên vùng EEZ của Indonesia, mà nếu quyền này có tồn tại thì nó cũng bị loại bỏ theo quy định trong UNCLOS 1982.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Andi Arsana tại đại học Gadjah Mada (Indonesia) cho rằng Indonesia cần kiên trì phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Indonesia không tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên từ năm 2016 và đầu năm 2020 căng thẳng bùng phát mạnh giữa Indonesia và Trung Quốc liên quan sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc trên vùng Biển Đông gần quần đảo Natuna của Indonesia.