Ngày 11-8 (giờ địa phương), ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố đã chọn thượng nghị sĩ bang Texas - bà Kamala Harris làm liên danh tranh cử trong kỳ bầu cử tháng 11 tới, hãng tin Reuters cho hay. Với quyết định này, bà Harris trở thành người phụ nữ da màu gốc Á đầu tiên ứng cử cho vị trí phó tổng thống.
Nhiều chuyên gia nhận định sự đồng hành của thượng nghị sĩ Kamala Harris sẽ là một lợi thế rất lớn cho ông Biden cả về mặt hình ảnh lẫn mức độ chuyên môn khi đối đầu với liên danh đương nhiệm Donald Trump - Mike Pence của đảng Cộng hòa.
Lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh
Một trong những điểm nổi bật của kỳ bầu cử năm nay là vấn đề xung đột sắc tộc đang chia rẽ sâu sắc xã hội Mỹ - hậu quả của đợt biểu tình rầm rộ phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd vào tháng 5. Theo một khảo sát mới đây của đài CNN, 42% người tham gia khẳng định yếu tố sắc tộc sẽ đóng vai trò quyết định trong việc bỏ phiếu vào tháng 11. Còn đối với nhóm cử tri da màu, con số này là 61% - tăng gần 27% so với khảo sát cùng kỳ năm 2015.
Nhiều nhân vật có tiếng nói trong nội bộ đảng Dân chủ cũng ý thức rõ ứng viên Joe Biden cần phải đánh mạnh vào vấn đề này nếu muốn có cơ hội vượt mặt ông Trump.
Trước thượng nghị sĩ Kamala Harris, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ, từng được cân nhắc để liên danh với ông Biden do đã chứng tỏ năng lực quản trị vượt trội khi kiểm soát thành công đợt bùng phát đại dịch ở bang chiến lược này. Tuy nhiên, bà Whitmer đến tháng 6 đã bất ngờ gửi lời từ chối tới nhóm tranh cử của ông Biden khi khẳng định nước Mỹ hiện tại rất cần một người lãnh đạo da màu và gợi ý ứng viên nên chọn người đồng hành như vậy.
Ứng viên Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Kamala Harris (phải) xuất hiện cùng nhau trong cuộc họp báo ở TP Wilmington ngày 13-8. Ảnh: CNN
Nhìn vào lịch sử hoạt động bùng nổ của bà Harris, có thể thấy rõ tại sao một số cố vấn của ông Biden đã coi bà Harris là lựa chọn hợp lý, tạp chí Foreign Policy cho hay. Bà là nữ luật sư quận đầu tiên của TP San Francisco, nữ thẩm phán đầu tiên của bang California và là người Mỹ gốc Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ. Năm ngoái, bà thậm chí còn mở chiến dịch tranh cử với tham vọng trở thành nữ tổng thống da màu gốc Á đầu tiên nhưng thất bại.
Chọn bà Kamala Harris, ông Biden trước mắt sẽ có lợi thế khi tiếp cận hai nhóm nhóm cử tri đông đảo là người da màu như đã nói ở trên và phụ nữ Mỹ. Trang tin Market Watch cho hay nước Mỹ từ cuối thế kỷ 20 đã hình thành một xu hướng rõ ràng là nam giới ủng hộ đảng Cộng hòa trong khi phụ nữ ủng hộ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, phụ nữ hiện nay lại chiếm đến hơn 54% số cử tri cũng như có tỉ lệ đi bầu cao hơn. Nhóm cử tri phụ nữ trên thực tế cũng từng giúp các ứng viên Dân chủ giành được đa số phiếu phổ thông trong 6/7 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây, cụ thể là vào các năm 1992, 1996, 2000, 2008, 2012 và 2016.
Mặt khác, ông Biden từ khi công bố chiến dịch tranh cử đến nay đã là tâm điểm của một loạt cáo buộc về kỳ thị sắc tộc, quấy rối phụ nữ và trẻ em. Đơn cử, ứng viên trong một buổi phỏng vấn với đài Breakfast Club hồi tháng 5 đã cho rằng nếu một người da màu nào đó không phân biệt được ông hay Tổng thống Donald Trump sẽ giúp ích cho cộng đồng da màu hơn thì họ “đừng tự nhận mình là người da màu nữa”. Dù sau đó ông có đính chính rằng phát ngôn đó chỉ là “nói đùa cho vui” thì sự việc vẫn phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ông trong mắt cử tri. Sự xuất hiện của thượng nghị sĩ Kamala Harris sẽ phần nào trấn an các lo ngại này bởi đơn giản: Nếu ông Biden thật sự kỳ thị sắc tộc thì việc gì bà Harris phải đồng ý liên danh cùng ông.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris rất sẵn sàng để đảm nhận vai trò được đề cử. Bà ấy đã dành sự nghiệp của mình để bảo vệ hiến pháp của chúng ta và đấu tranh cho những người khao khát sự công bằng. Cựu tổng thống Mỹ BARACK OBAMA |
Dự liệu cho tương lai
Ngoài thông điệp tranh cử của ông Joe Biden, cử tri của Mỹ còn lo ngại về vấn đề tuổi tác của ứng viên này khi ông đã 77 tuổi. Nhiều người lo ngại ông sẽ không đủ sức khỏe để lãnh đạo đất nước khi thắng cử. Mặt khác, hình ảnh một tổng thống lớn tuổi với nhiều năm hoạt động chính trị cũng có thể tạo cảm giác một nước Mỹ bảo thủ, già nua và khó thay đổi khi giới tinh hoa giữ chặt quyền lực.
Tuy ông Biden nhiều lần khẳng định ông chỉ làm một nhiệm kỳ để sửa chữa “những sai lầm” mà Tổng thống Donald Trump gây ra, chính việc liên danh với thượng nghị sĩ Kamala Harris mới chính là hành động mà cử tri Mỹ muốn thấy khi tạo điều kiện cho những nhân vật trẻ tuổi hơn lên nắm quyền, đặt nền móng cho một nước Mỹ mới.
Foreign Policy nhận định lựa chọn của ông Biden cũng có thể được xem là một cách để đảm bảo di sản của ông tiếp tục được kế tục ngay cả khi ông không còn lãnh đạo. Do ông Biden nhiều khả năng sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ hai, bà Harris sẽ rộng đường trở thành tổng thống Mỹ kế nhiệm. Hai nhân vật này dù không phải đều đồng ý với nhau trên tất cả vấn đề khi bà Harris từng công khai chỉ trích kế hoạch cải tổ kinh tế và hệ thống y tế của ông Biden nhưng với quãng thời gian dài làm việc cùng nhau sắp tới, hai người chắc chắn sẽ đạt được điểm đồng thuận. Giữa việc phải chọn giữa tổng thống kế nhiệm là một đối thủ trong đảng và một nhân vật ở đảng Cộng hòa, rõ ràng lựa chọn thứ nhất sẽ hấp dẫn ông Biden hơn.
Phản ứng của ông Trump về bà Harris Trả lời phỏng vấn của đài Fox News ngày 13-8, Tổng thống Donald Trump đã có nhận định đáng chú ý về thượng nghị sĩ Kamala Harris khi cho rằng “không một ai xúc phạm ông Biden nhiều hơn bà ấy” khi bà Harris còn là ứng viên tổng thống cạnh tranh với ông Biden. Tổng thống Trump còn kể thêm về một tình huống bà Harris đã “tin lời những phụ nữ” cáo buộc ông Biden quấy rối họ. Theo đó, hồi tháng 4-2019, một số phụ nữ phản ánh rằng ông Biden đã có hành vi đụng chạm, ôm hôn họ mà chưa được phép. Khi đó, bà Harris đã khẳng định rằng: “Tôi tin họ. Và tôi tôn trọng việc họ có thể kể lại câu chuyện của mình và có can đảm để làm điều đó”. Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu bà có nghĩ ông Biden nên tham gia tranh cử tổng thống, bà cho biết: “Ông ấy sẽ phải đưa ra quyết định cho chính mình. Tôi sẽ không bảo ông ấy phải làm gì”. |