Mỹ, Trung Quốc đang ‘thử nhau’?

Thời gian này, có thể nói mỗi ngày căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) lại leo thang thêm một mức tồi tệ mới. Đà xấu đi quá nhanh trong quan hệ Mỹ-Trung thuộc dạng chưa có tiền lệ và nguy hiểm là chưa bên nào có dấu hiệu sẽ xuống thang.

Tiếng bấc ném qua, tiếng chì ném lại

Mới nhất, ngày 19-7, Đại sứ quán TQ tại Myanmar ra tuyên bố cáo buộc Mỹ “bôi nhọ quá đáng” Bắc Kinh và chia tách quan hệ giữa mình với các nước láng giềng Đông Nam Á quanh vấn đề Biển Đông, theo hãng tin Reuters. TQ phê phán Mỹ đã “trưng ra một bộ mặt ích kỷ, đạo đức giả, đáng khinh và xấu xí”.

Sở dĩ TQ nặng lời thế vì ngày trước đó Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar ra tuyên bố cảnh báo các nước về nguy cơ mất chủ quyền vào tay TQ.

Mỹ so sánh các hành động của TQ ở Biển Đông và Hong Kong với các dự án đầu tư quy mô lớn của TQ ở Myanmar mà Mỹ đã cảnh báo là những bẫy nợ và kết luận Mỹ cảnh báo những điều này “là cách một nền chủ quyền hiện đại bị mất - không phải thông qua các hành động kịch tính, công khai, mà qua những điều nhỏ hơn dẫn tới sự xói mòn dần theo thời gian”.

Đầu tuần trước Mỹ nói đang cân nhắc cấm toàn bộ đảng viên đảng Cộng sản TQ và người thân của họ vào Mỹ. Phản pháo lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh nói Mỹ “mất trí” khi chọn đối đầu với 1,4 tỉ dân TQ và cảnh báo sẽ có thảm họa nếu Mỹ làm vậy.

Trước đó vài ngày, Mỹ áp lệnh trừng phạt nhiều quan chức TQ về vấn đề Tân Cương. TQ cũng trả đũa bằng cách trừng phạt một số quan chức và nghị sĩ Mỹ.

Ngày 13-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có tuyên bố thể hiện quan điểm cứng rắn của Washington về vấn đề Biển Đông. Ông Pompeo bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của TQ với gần hết Biển Đông, đồng thời tuyên bố sẽ ủng hộ các nước trong khu vực thách thức yêu sách này của TQ.

Về thực địa, hiện hai đội tàu sân bay tấn công của Mỹ vẫn duy trì hiện diện và tập trận ở Biển Đông. Mỹ còn đưa cả tàu khu trục tên lửa đến tuần tra hàng hải, thách thức TQ.

Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (phải) và Phó Thủ tướng TQ Lý Lam Thanh (trái) kỷ niệm 30 năm quan hệ hai nước bằng “ngoại giao bóng bàn”, năm 2001. Ảnh: AP

Thử dễ thành thật

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị thừa nhận tình trạng đối đầu giữa hai nước đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Lý do, theo ông Vương, phần lớn là vì các chiến lược sai lầm và sự hoang tưởng của Mỹ chứ TQ “không bao giờ có ý định thách thức hay thay thế, hay đối đầu toàn diện với Mỹ”.

Tuy nhiên, về phía Mỹ, phát ngôn của ông Vương không đủ sức thay đổi quan điểm của các chính trị gia lẫn người dân nước này về TQ vốn đang rất tiêu cực, đặc biệt sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo chuyên gia Gal Lufl - đồng giám đốc Viện Phân tích an ninh toàn cầu (Washington), Mỹ hiện đã được đặt vào trạng thái ngăn chặn hoàn toàn khi quan hệ đã đi quá xa đến mức không quay lại được nữa.

Nhà phân tích cấp cao Malcolm Davis tại Viện Chính sách chiến lược Úc cho rằng TQ muốn khai thác các điểm yếu của Mỹ nhân dịch COVID-19 và có thể sẽ cố gắng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua vũ lực. Rất có khả năng TQ tính toán sai khi cho rằng Mỹ sẽ không hoặc không thể đáp trả bằng vũ lực, theo ông.

Từ quan điểm lịch sử, TQ và Mỹ gần như đã được định hướng xung đột.

Cựu ngoại trưởng Mỹ HENRY KISSINGER nói hai năm trước 

Lần đầu tiên trong 40 năm thiết lập quan hệ, hồi tháng 5 chính phủ Tổng thống Donald Trump chính thức thừa nhận sự thất bại của chính sách gắn kết với TQ, vốn muốn mang lại sự thay đổi chính trị ở TQ thông qua mở cửa thị trường.

Bản thân cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger - người hướng Mỹ sang TQ hồi thập niên 1970 để cô lập Liên bang Xô Viết cũng như phản đối việc Mỹ có chính sách kiềm chế TQ - thời gian sau này bi quan hơn về tương lai quan hệ Mỹ-Trung.

Ông Kissinger, giờ 97 tuổi, thừa nhận TQ giờ là đối thủ chiến lược hàng đầu của Mỹ. Năm ngoái, ông từng cảnh báo nếu Mỹ và TQ không kiềm chế, để xảy ra xung đột quân sự thật sự thì cuộc chiến có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều so với các cuộc chiến khác của thế giới. Theo ông Kissinger, ý tưởng cải cách quân đội của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình những năm gần đây - nhấn mạnh tính cần thiết phải xây dựng quân đội có thể đánh và thắng - là bằng chứng nữa cho thấy TQ đang chuẩn bị cho mặt trái của vấn đề hoặc cho viễn cảnh xấu nhất là xảy ra xung đột vũ trang.

Cựu thứ trưởng Ngoại giao TQ Phó Oánh nhận định điểm không chắc chắn nhất của hai quân đội nằm ở thực tế cả hai bên đều chưa có cơ chế quản lý khủng hoảng hiệu quả, cũng như còn mơ hồ về “giới hạn”, “lằn ranh đỏ” của bên kia. Hệ lụy là cả hai thấy cần phải “thử nhau” và điều này gia tăng rủi ro xung đột dẫn đến hậu quả không thể kiểm soát.

Từ quan điểm của TQ, hai vấn đề dễ xảy ra xung đột quân sự nhất là Biển Đông và Đài Loan. Nhiều nhà phân tích TQ cho rằng yêu cầu quản lý căng thẳng đã trở nên cấp thiết trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày thêm chua cay và thù địch.

Dù thế nào, theo đài Al Jazeera, căng thẳng Mỹ-Trung sẽ chưa thể giảm trong bối cảnh ông Trump sắp bước vào kỳ bầu cử tổng thống. Thêm nữa, quan hệ hai nước nhiều khả năng sẽ không thay đổi nhiều dù ông Trump thắng hay thua, vì đối thủ Joe Biden từng chỉ trích ông Trump không đủ rắn với TQ.

Nỗ lực để tránh viễn cảnh xấu nhất

Tháng trước là lần đầu tiên hai nước có sự tiếp xúc cấp cao đầu tiên trong gần một năm với cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Bộ Chính trị TQ Dương Khiết Trì.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh cả hai đều có nỗi lo căng thẳng gay gắt có thể dẫn tới xung đột mà không thể ngăn chặn. Tuy nhiên, hai ngày gặp giữa ông Pompeo và ông Dương không ngăn nổi đà xấu thêm của quan hệ hai nước, thậm chí cũng không ngăn được cuộc chiến ngôn từ hai bên dành cho nhau mà những diễn biến trên là minh chứng.

Căng thẳng, đối đầu liên tục tăng giữa Mỹ và TQ nhiều nhà quan sát liên tưởng tới viễn cảnh xung đột, thậm chí còn hình dung ra một Trân Châu Cảng thứ hai. Người đề cập viễn cảnh này là GS Graham Allison tại ĐH Harvard (Mỹ). Theo ông, không thể loại trừ điều này vì Mỹ 80 năm trước cũng đã không thể lường trước rằng Nhật - nền kinh tế lớn chưa tới 1/5 kinh tế Mỹ - có thể bất ngờ không kích lực lượng hải quân của nước mạnh nhất thế giới ở Trân Châu Cảng. Ông cho rằng những tháng còn lại của năm 2020 sẽ là thời gian để hai nước cùng nỗ lực tránh điều đã xảy ra với Mỹ và Nhật vào tháng 12-1941. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm