Giữa lúc thương chiến với Trung Quốc (TQ) vẫn đang gay cấn và bầu cử tổng thống cận kề, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chính sách gây sức ép với một số đồng minh. Và Ấn Độ cũng không ngoại lệ.
Ông Trump vừa tuyên bố loại bỏ quốc gia Nam Á khỏi một chương trình thương mại đặc biệt với lập luận rằng New Delhi đã không đảm bảo cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận công bằng và hợp lý vào thị trường của mình. Chương trình là một hệ thống miễn trừ đánh thuế trên 6 tỉ USD hàng hóa Ấn Độ trong năm 2018. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do để Washington tìm đến New Delhi như là một đối tác quan trọng, theo hãng tin CNN.
Thiệt hại của Mỹ trong thương chiến với Trung Quốc
Cuối tháng 5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo rằng tình hình thương chiến Trung-Mỹ leo thang sẽ gây thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ cũng như sự phát triển toàn cầu. Theo đó, cuộc xung đột Đông-Tây này có thể suy giảm 0,7% GDP toàn cầu và giảm tăng trưởng GDP của Mỹ 0,2%-0,3% giai đoạn 2021-2022. OECD còn cho biết cuộc chiến thuế quan sẽ khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 0,3% năm 2020.
Mới đây, các nhà nghiên cứu kinh tế từ nhiều tổ chức uy tín như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ĐH Harvard (Mỹ), ĐH Chicago (Mỹ) kết luận rằng các nhà sản xuất Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các doanh nghiệp TQ khi Washington tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ TQ. Trong khi đó, giá tiêu dùng ở Mỹ cũng tăng đáng kể sau đòn đánh thuế quan này, theo một nghiên cứu khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cụ thể, giá máy giặt, bao gồm hàng nhập khẩu và sản xuất nội địa, đã tăng 12% trong 4-8 tháng sau khi thuế quan mới có hiệu lực. Máy giặt vốn là một trong những mục tiêu chịu thuế cao đầu tiên của Washington. Hơn nữa, cả máy sấy cũng chịu chung số phận mặc dù không bị ảnh hưởng bởi thuế cao.
Nghiêm trọng hơn, một nghiên cứu khác được công bố hồi tháng 3 năm nay còn cho rằng chính người tiêu dùng sẽ gánh tất cả chi phí do chính sách thuế quan tăng cao gây ra. “Chúng tôi nhận ra rằng thuế quan Mỹ sẽ được chuyển hoàn toàn vào giá tiêu dùng nội địa, vì thế các nhà xuất khẩu nước ngoài sẽ không hề hấn gì. Ngoài ra, các nhà sản xuất Mỹ phản ứng với việc giảm nhập khẩu bằng cách tăng giá sản phẩm của họ” - hãng tin CNBC dẫn lời các nhà nghiên cứu từ ĐH New York và ĐH Columbia (Mỹ) cho biết.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS
Ấn Độ - phương án thay thế cấp bách và quan trọng
Dù Ấn Độ chỉ là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 9 của Mỹ nhưng thị trường rộng lớn của nó là miếng mồi béo bở mà các doanh nghiệp Mỹ khó có thể bỏ qua. Theo hãng tin CNN, các tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Amazon, WalMart, Google và Facebook đang đầu tư hàng tỉ USD vào đất nước 1,3 tỉ dân này.
Thị trường 600 triệu người sử dụng Internet, cao thứ hai thế giới chỉ sau TQ, còn thu hút nhiều nhà cung cấp dịch vụ lớn như Netflix, Uber và Disney. Tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới Disney thậm chí đã mua lại nền tảng phát trực tuyến lớn nhất của Ấn Độ là Hotstar. Một đối tác quan trọng và hấp dẫn như Ấn Độ là phương án không thể bỏ qua đối với Washington nhằm khỏa lấp các tổn thương gây ra trong cuộc chiến với cường quốc kinh tế số hai thế giới.
Điều mà Mỹ đang cố gắng làm là bắt nạt Ấn Độ trong những vấn đề mà Ấn Độ không thể đưa ra quyết định có lợi cho Mỹ. ASHWANI MAHAJAN, đồng chủ tịch của Swadeshi Jagran Manch |
Tuy nhiên, nhiều hạn chế mới được tuyên bố bởi chính phủ New Delhi sẽ khiến nhiều công ty gặp trở ngại khi kinh doanh ở nước này. Một số yêu cầu nghiêm ngặt khác đã ảnh hưởng một số tập đoàn như Apple, vốn đang đấu tranh để mở rộng và bán các sản phẩm của mình ở Ấn Độ.
Một số chuyên gia đang lo ngại căng thẳng có khả năng gia tăng giữa Washington và New Delhi. Ông Richard Rossow, chuyên gia về Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, cho rằng các nhà lãnh đạo hai bên phải hết sức cẩn trọng để tránh những cuộc xung đột như thế này. “Họ cần phải nhanh chóng đối thoại để đánh giá các rào cản và làm việc để xây dựng một mối quan hệ song phương bền vững” - ông Rossow phát biểu.
Các nhóm doanh nghiệp Mỹ đang kêu gọi hai bên giải quyết những khác biệt và phản đối quyết định của Tổng thống Trump liên quan đến chương trình thương mại đặc biệt với Ấn Độ. Theo cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nisha Biswal, chương trình thương mại ưu đãi cung cấp lợi ích quan trọng cho cả Ấn Độ và Mỹ. “Những vấn đề này có thể được giải quyết tốt hơn thông qua đối thoại và tham gia” - bà Biswal nói.
Ấn Độ hy vọng mối quan hệ vững mạnh với Mỹ Chính phủ Ấn Độ cuối tuần rồi tuyên bố rằng họ sẽ vẫn tiếp tục xây dựng một mối quan hệ kinh tế vững mạnh với Mỹ bất chấp quyết định mới của ông Trump ngừng ưu đãi thuế quan dành cho doanh nghiệp nước này. New Delhi cho rằng thật không may rằng nỗ lực của họ để đáp ứng các yêu cầu quan trọng của Mỹ đã không thành công. Trước đó, các quan chức nước Nam Á đã đưa ra khả năng tăng cao thuế nhập khẩu dành cho hơn 20 mặt hàng của Mỹ nếu Washington loại Ấn Độ khỏi chương trình ưu đãi thương mại. “Ấn Độ, như Mỹ và các quốc gia khác sẽ luôn duy trì lợi ích quốc gia trong những vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một mối quan hệ vững mạnh với Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và xã hội” - hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn của Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết. |