Trước khi rời đi, ông Trump có thể gây rắc rối cho Trung Quốc

Ngày 9-11, ông Mark Magnier - phóng viên của tờ South China Morning Post (SCMP) đã trích dẫn lời các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu đổ lỗi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề đại dịch COVID-19 khiến cho nền kinh tế Mỹ bị tác động nặng nề và lấy đi cơ hội tái đắc cử của ông.

Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump sẽ rời nhiệm sở sau thất bại trước đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Các chuyên gia và cựu quan chức lo ngại rằng khả năng cao ông Trump có thể sẽ quyết tâm thực hiện các động thái “gây rắc rối” và cản trở người kế nhiệm trong những tháng cuối cùng ở Nhà Trắng.

Người dân tụ tập ở thủ đô Washington D.C. để ăn mừng chiến thắng của ứng cử viên tổng thống bên đảng Dân chủ Joe Biden trước đương kim Tổng thống Donald Trump ngày 7-11. Ảnh: AP

Ông Jeff Moon, giám đốc của công ty TNHH China Moon Strategies (Washington DC, Mỹ) và là cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ trừng phạt Trung Quốc vì đại dịch COVID-19. Câu hỏi được đặt ở đây là, điều này có nghĩa là gì”.

Ông Moon cho rằng khả năng cao ông Trump sẽ đưa ra các động thái trừng phạt vào những tháng cuối cùng trong nỗ lực chống lại Bắc Kinh.

Chính quyền ông Trump có thể sẽ gán cho Trung Quốc tội danh “diệt chủng” vì đã giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ngoài ra, vị tổng thống đương nhiệm này có thể chặn thị thực của nhiều quan chức Trung Quốc hoặc gây rắc rối bằng cách yêu cầu các vận động viên Mỹ không tham gia Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau chuyên đi chơi golf vào ngày 7-11. Ảnh: REUTERS

Các biện pháp trừng phạt khác có thể bao gồm việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt lên các công ty nhà nước của Trung Quốc, nghiêm cấm nhiều ứng dụng Trung Quốc hơn sau TikTok và WeChat. Đồng thời ông Trump sẽ chặn tất cả các hoạt động buôn bán chất bán dẫn cho Công ty Công nghệ Huawei ngoài các công nghệ dành cho mạng 5G.

Theo thành viên của Viện Hudson (Washington DC, Mỹ) và là cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, ông Thomas Duesterberg cho biết: “Tất cả các động thái trên sẽ khiến cho việc hợp tác với Trung Quốc trở nên khó khăn hơn".

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Cựu Phó tổng thống Joe Biden (phải). Ảnh: REUTERS

“Quyền lực trong bốn năm qua của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Thế nên, tôi hy vọng chính quyền của ông Biden sẽ có một số điểm tương đồng với chính quyền của ông Trump” – bà Sarah Kreps, giáo sư chính phủ và luật của Đại học Cornell nói.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Washington DC, Mỹ), 73% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, tăng 13 điểm phần trăm so với năm 2019 và 20 điểm phần trăm so với năm 2017, khi ông Trump nhậm chức.

Trước đó, chính phủ Mỹ đã loại bỏ Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, một tổ chức ly khai triệt để của người Duy Ngô Nhĩ, khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Điều này đã làm giảm lý do chống khủng bố của Trung Quốc khi nước này đang chuẩn bị một cuộc đàn áp hà khắc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.

Động thái này của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh thế giới lên án các chính sách hà khắc của Trung Quốc đối với khu vực Tân Cương, nơi một số nhóm Hồi giáo thiểu số bị giam giữ tại các trại cải tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm