Vaccine COVID-19: Cuộc chạy đua Nga-Trung

Cuộc chạy đua điều chế vaccine COVID-19 hiện đang bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt trước nhiều lo ngại về nguy cơ tái bùng phát đợt dịch thứ hai tại nhiều quốc gia. Trong khi phương Tây đến nay chưa sản xuất bất kỳ loại vaccine nào do các ứng viên vaccine vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, cả Nga và Trung Quốc (TQ) đều đã bắt đầu có kế hoạch đưa vaccine vào sử dụng chính thức và mở bán cho cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc thực chất đã vượt mặt Nga?

Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình trung ương TQ CCTV ngày 23-8, một quan chức thuộc Ủy ban Y tế quốc gia TQ (NHC) tên Zheng Zhongwei tiết lộ chính quyền nước này đã chấp thuận cho tiêm vaccine ngừa COVID-19 khẩn cấp lên một bộ phận đối tượng hạn chế từ cuối tháng 7.

Hầu hết đối tượng thuộc nhóm được tiêm đều có nguy cơ lây nhiễm cao, làm trong các ngành đặc thù như y tế, thực phẩm hay tại các vùng nhạy cảm như khu vực biên giới. Ông Zheng không nêu rõ hiện đã có bao nhiêu người được tiêm vaccine và loại vaccine sử dụng là do bên nào sản xuất.

Đáng chú ý, văn bản hướng dẫn cho kế hoạch nói trên thực chất đã được ban hành từ ngày 24-6. Để so sánh, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ mới tuyên bố phê chuẩn việc sử dụng đại trà vaccine ngày 11-8.

Theo GS Zhao Dahai thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải, việc TQ đồng ý tiêm vaccine cho lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch cho thấy giới lãnh đạo nước này đặt nhiều niềm tin vào chất lượng và độ an toàn của loại vaccine này. Ông Zhao khẳng định “điều này chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy là chúng ta không lấy sinh mạng của tình nguyện viên ra làm trò đùa mà rất chú trọng đảm bảo an nguy cho họ”.

Cũng theo hãng tin Reuters, trên thế giới hiện có bảy loại vaccine bước vào thử nghiệm trên người giai đoạn ba thì hết bốn loại là của TQ do hai tập đoàn dược quốc gia TQ (Sinopharm) và Học viện Quân y TQ nghiên cứu.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CGTN mới đây, Chủ tịch Sinopharm Liu Jingzhen cho biết sau khi điều chế thành công sẽ mở rộng năng suất sản xuất vaccine lên tới 300 triệu liều một năm. Ông cũng tuyên bố tập đoàn đã thử nghiệm dùng huyết thanh kháng thể của vaccine lên hơn 20 biến chủng khác nhau của virus SARS-CoV-2 và kết quả cho thấy toàn bộ biến chủng đều bị trung hòa. Do đó, khả năng cao vaccine của Sinopharm sẽ có độ hiệu quả cao và phạm vi áp dụng lớn.

Hình minh họa mẫu vaccine COVID-19. Ảnh: GETTY IMAGES

Nga mạnh mẽ bứt tốc

Dù vậy, Nga cho thấy nước này sẽ không đứng nhìn TQ vượt mặt khi vạch đích đã cận kề. Trang tin India.com ngày 23-8 dẫn nguồn hãng thông tấn RIA cho hay Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov khẳng định trước cuối năm nay, Nga sẽ sản xuất khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu liều vaccine COVID-19 Sputnik V và sẽ tăng dần lên 6 triệu liều vào cuối năm nay.

Hiện năng lực sản xuất của Nga chỉ dừng ở khoảng 30.000 liều vào cuối tháng 8. Để làm được điều này, ông Manturov cho rằng cần tăng cường hợp tác với các viện sinh học trong nước và các hãng dược đang sản xuất vaccine khác.

12 nước trên thế giới, trong đó có Nga, đã đồng ý cho TQ thử nghiệm vaccine giai đoạn ba trên cư dân nước họ, theo hãng tin Reuters

Dù bị giới chuyên gia nghi ngại về độ an toàn và hiệu quả, theo ông Valery Fedorov, người lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (VTsIOM), một bộ phận đáng kể người dân Nga vẫn tin tưởng vào Sputnik V khi 42% người được hỏi sẵn sàng tiêm loại vaccine này để ngừa COVID-19. Cũng nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, sẽ phải đến đầu năm 2021 thì Nga mới có thể bắt đầu xuất khẩu vaccine cho các nước khác trên thế giới.

Nhiều nguồn tin nội bộ khẳng định Nga cũng đang tiến hành thử nghiệm một loại vaccine COVID-19 thứ hai, được đặt tên là EpiVacCorona. Theo thông tin từ tờ The Times of India thì: “14 người đã được tiêm EpiVacCorona trong giai đoạn đầu tiên và 43 người nữa trong giai đoạn thứ hai. 43 tình nguyện viên khác từ nhóm kiểm soát giả dược đã được tiêm giả dược”. Theo The Times of India, dù vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ về EpiVacCorona nhưng dự kiến việc thử nghiệm sẽ kết thúc vào tháng 9 để kịp đưa vào sản xuất vào tháng 11.

Các nước đua nhau hạ giá vaccine

Theo Chủ tịch Sinopharm Liu Jingzhen, giá của liệu trình hai liều tiêm vaccine COVID-19 của hãng này không quá cao, vào khoảng 1.000 NDT (xấp xỉ 144 USD).

Tuy nhiên, báo South China Morning Post cho rằng dù chưa rõ ông Liu đưa ra mức giá này là giá bán lẻ hay bán sỉ nhưng dù thế nào, đây vẫn là mức giá cao hơn nhiều so với các vaccine COVID-19 tiềm năng khác đã công bố giá dự kiến.

Một số hãng dược lớn, trong đó có AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ), vì bị nguyên tắc phi lợi nhuận khi nghiên cứu vaccine cho đại dịch, đã đưa ra những mức giá thấp hơn đáng kể cho vaccine của họ. Đơn cử, Johnson & Johnson đang đề xuất mức giá vaccine vào khoảng 10 USD một liều trong thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều cho chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, hiện chưa rõ mức giá chính xác một liều vaccine Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, chủ tịch hãng dược R-Pharm của nước này - ông Alexey Repik từng khẳng định giá xuất khẩu vaccine Nga ít nhất là 10 USD cho hai liều, theo đài RT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm