Quy trình 3 bước lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(PLO)- Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được thực hiện theo Quy định 96 với quy trình ba bước.

Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 7, diễn ra từ 15 đến 17-5) là lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Đây là các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu, thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm, theo Quy định 96 của Bộ Chính trị được ban hành hồi tháng 2-2023 (thay thế Quy định 262/2014 về cùng nội dung).

Trong phần phát biểu khai mạc hôm 15-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khoá XI đến nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 15-5. Ảnh: TTXVN

Mục đích của việc này là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Giúp các cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác...

Tổng Bí thư yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.

Theo Quy định 96, đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm là những cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Đối với cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Kết quả phiếu tín nhiệm được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cũng theo quy định, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn. Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Như vậy, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ... Đây có thể coi là một trong những bước thay đổi quyết liệt, trở thành thước đo quan trọng phản ánh năng lực cũng như quá trình hoạt động của cán bộ quản lý, lãnh đạo.

Ngoài ra, Quy định 96 cũng bổ sung thêm tiêu chí về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Cùng đó là sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú

Trước đó, Trung ương đã hai lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lần lấy phiếu đầu tiên diễn ra vào tháng 1-2015 tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Lần thứ hai diễn ra vào tháng 12-2018 tại Hội nghị lần 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII được Trung ương lấy phiếu tín nhiệm

Bộ Chính trị hiện có 16 người, gồm:

1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

2. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

3. Thủ tướng Phạm Minh Chính

4. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

5. Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai

6. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên

7. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

8. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an

9. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng

10. Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc

11. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú

12. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

13. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

14. Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng

15. Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam,

16. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Năm người trong Ban Bí thư được lấy phiếu tín nhiệm gồm:

1. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng

2. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

3. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

4. Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài

5. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

*****

Quy trình ba bước lấy phiếu tín nhiệm đối với lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư (Điều 9, Quy định 96).

Bước 1: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm

Căn cứ kế hoạch của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ chuẩn bị các nội dung sau:

- Yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo theo quy định.

- Tập hợp báo cáo, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và báo cáo giải trình, cung cấp thông tin về nội dung liên quan (nếu có), gửi cho người ghi phiếu trước 15 ngày; các nội dung, vấn đề cần làm rõ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm thì gửi cho người được lấy phiếu tín nhiệm trước 10 ngày lấy phiếu tín nhiệm.

- Chuẩn bị phiếu tín nhiệm ghi danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức tín nhiệm và có đóng dấu treo của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định.

- Đề xuất ban kiểm phiếu.

Bước 2: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

- Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị quán triệt về mục đích, yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ theo quy định.

- Bầu ban kiểm phiếu; ban kiểm phiếu tiến hành phát phiếu, hướng dẫn cách ghi phiếu.

- Cán bộ trong thành phần ghi phiếu và bỏ phiếu vào thùng phiếu theo quy định.

Bước 3: Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm

- Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và thông báo kết quả kiểm phiếu với hội nghị.

- Biên bản kiểm phiếu được lập thành ba bản (hai bản gửi cấp trên trực tiếp; một bản lưu tại địa phương, cơ quan, đơn vị) và quản lý theo chế độ mật.

- Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới