Quy trình ngược liên quan cái chết của trọng tài Tân

Đám tang của trọng tài Dương Ngọc Tân có đông đảo người thân, bạn bè ở Yên Bái tiếc thương, đau buồn cho một trụ cột gia đình với vợ và hai con nhỏ mà anh sớm ra đi ở tuổi 37. Đại diện VFF cũng đã đến chia buồn với gia đình và có kế hoạch tặng giấy khen của chủ tịch VFF cho trọng tài Dương Ngọc Tân vì những đóng góp của anh.

Nhập nhằng đổ lỗi cho nhau

Ai cũng tiếc giá như tờ giấy khen ấy của VFF thay cho chứng nhận kiểm tra y tế đúng quy trình cho trọng tài Dương Ngọc Tân thì đâu đến nỗi rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo anh phải ra đi sau cơn đột quỵ ở buổi kiểm tra thể lực do VFF tổ chức.

Nghiệt ngã cho giới trọng tài làm nhiệm vụ giải hạng nhất không có đợt khám sức khỏe tổng quát tại BV Thể thao Việt Nam như đồng nghiệp làm nhiệm vụ ở V-League. Bởi nếu cấp trên của họ có cái tâm và có trách nhiệm đến sức khỏe của các trọng tài làm nhiệm vụ thì có thể bệnh nguy hiểm của trọng tài Tân đã được phát hiện. Và lúc đó chắc chắn bài kiểm tra nặng sẽ được ngăn lại hoặc trọng tài Tân sẽ bị cấm kiểm tra thể lực như nhiều trọng tài trước đây từng được khuyến cáo sau khi kiểm tra y tế.

Hai năm trước, các khâu kiểm tra sức khỏe trọng tài đều do VPF đảm nhiệm nhưng không hiểu sao lần này thì chuyển lại cho VFF, còn VPF chỉ có trách nhiệm chi tiền (!?). Trưởng ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi cho biết chỉ lo phần chuyên môn cho trọng tài, còn lại mọi việc do VPF chịu trách nhiệm (!?). Buồn là khi sự cố xảy ra thì các bộ phận cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau như thế.

Quy trình ngược không có trong các lớp tập huấn trọng tài khác mà chỉ có trong chương trình tập huấn xảy ra sự cố với trọng tài Tân.

Trọng tài Dương Ngọc Tân lúc còn tham gia đoàn thể thao Yên Bái (ảnh lớn) và bố vợ cùng con gái của anh trong lễ tang.  Ảnh: TTVH

Quy trình ngược: Kiểm tra thể lực rồi mới kiểm tra y tế

Và điều nhiều người trong giới chuyên môn thắc mắc là vì sao trong chương trình tập huấn trọng tài trước giải hạng Nhất năm nay lại đi theo quy trình ngược khác hẳn mọi đợt tập huấn trước và khác xa với đợt tập huấn cho giải chuyên nghiệp (xem bảng chương trình tập huấn của VFF kiểm tra thể lực ngày 2-4, kiểm tra y tế ngày 4-4 nhưng nhiều người thắc mắc là vì sao phần kiểm tra y tế vẫn chưa được thực hiện). Đó là bắt buộc các trọng tài kiểm tra thể lực trước vào ngày 2-4 rồi đến ngày 4-4 mới kiểm tra y tế. Nhìn vào đấy ai cũng thấy chương trình này hoàn toàn phản khoa học và tại sao chỉ có mỗi lần tập huấn này là đi trái quy trình?

Cuộc đùn đẩy trách nhiệm càng làm cho sự cố nghiêm trọng này thêm phần bi thương. Không thể viện cớ trọng tài chỉ cần cái giấy chứng nhận sức khỏe ở địa phương (khám qua loa như kiểu khám sức khỏe đổi giấy phép lái xe) để nói rằng trọng tài đủ sức khỏe để tham gia buổi kiểm tra thể lực khắc nghiệt.

Ban trọng tài VFF cũng không thể phủi tay trách nhiệm của mình khi trọng tài V-League thì có kiểm tra y tế trước kiểm tra thể lực, còn trọng tài hạng Nhất thì không.

Chia sẻ ngay trong lễ tang của trọng tài Dương Ngọc Tân, bạn bè anh buồn bã nói trong tiếc nuối: “Giá mà bằng khen tặng cho anh ấy, cho người đã khuất trước đó được thay bằng cách đối xử như những trọng tài làm nhiệm vụ ở hạng chuyên nghiệp. Hay ít ra bằng khen được thay bằng quy trình kiểm tra y tế đúng như mọi năm ở hạng Nhất đã làm…”.

Đã có những trường hợp được khuyến cáo không cho kiểm tra thể lực

Một thành viên từng tham gia trong ban tổ chức lớp tập huấn cho trọng tài trước các giải đấu cho biết: “Cùng gặp sự cố như trọng tài Tân trong lần kiểm tra này còn có trọng tài trẻ Dương Hữu Phúc cũng bị ngất do thiếu ôxy. May mà sau đó Phúc đã tỉnh lại và bị nghi là có vấn đề về tim mạch vì vậy ban tổ chức lớp để Phúc dừng làm nhiệm vụ ở giải năm nay. Tuy nhiên, tất cả chỉ là suy đoán của người làm công tác trọng tài lần này mà thôi. Trước đây có những lớp tập huấn trước giải, sau phần kiểm tra y tế tổng quát tại bệnh viện từng có hai trọng tài FIFA không được hành nghề vì lý do sức khỏe do khuyến cáo của các bác sĩ kết luận có vấn đề về tim mạch. Cụ thể là trọng tài Châu Đức Thành (Cần Thơ) và Nguyễn Hoàng Minh (Đồng Nai). Hai trọng tài này lúc đó đã bị loại luôn và không qua kiểm tra thể lực. Bây giờ qua sự cố Dương Ngọc Tân, giới trọng tài nhắc lại hai trường hợp cụ thể trên và nói rằng họ may mắn vì có kiểm tra y tế đúng quy trình và có kết luận của các y bác sĩ nên không rơi vào trường hợp gắng sức rồi đột quỵ như trọng tài Tân…”.

NG.H

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm