Nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quyền tác giả tuy không mới nhưng vẫn nóng lên khi nhắc đến chuyện ăn cắp bản quyền.
Mặc dù đã có Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và bổ sung năm 2009, cùng nhiều biện pháp chế tài: dân sự, hành chính và hình sự (Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015) nhưng việc thực thi lỏng lẻo do thiếu sự thống nhất của các cơ quan, ban ngành liên quan nên vẫn không đủ sức răn đe. Và những kẻ cố tình vi phạm quyền tác giả - nói trắng ra là ăn cắp bản quyền - vẫn nhởn nhơ. Tệ nạn ăn cắp bản quyền có muôn hình vạn trạng, có thể kể: in lậu, khai gian số lượng ấn phẩm khi in, ví dụ ghi trên trang lưu chiểu theo giấy phép xuất bản là in 1.000 bản nhưng in tới 2.000-3.000 bản để giảm tiền nhuận bút và quản lý phí theo số lượng in, nếu là đối tác liên kết xuất bản. Một hình thức ăn cắp bản quyền khá tinh vi là chép các dịch phẩm - nhất là của các tác giả nổi tiếng, các dịch giả đã quá cố, rồi xào nấu, cắt xén, đảo trước sau, sửa sang chút đỉnh biến thành “dịch phẩm” của mình, mà có người gọi đùa một cách mỉa mai là “dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt”. Chuyện này không hiếm trên thị trường sách vở hiện nay.
Một vấn đề vi phạm bản quyền khá phổ biến hiện nay được bàn bạc, trao đổi sôi nổi tại cuộc hội thảo nói trên là việc sao chép, photocopy các công trình nghiên cứu khoa học, các giáo trình - nhất là các giáo trình tiếng Anh được các nhà xuất bản mua bản quyền của nước ngoài - để bán công khai cho sinh viên các trường đại học. Ông Hoàng Trọng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Sao chép Việt Nam (VN), cho biết sẽ làm việc với các trường đại học về vấn đề này. Hiệp hội Quyền sao chép VN được thành lập năm 2010 nhằm tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả. Nhiệm vụ chính của hiệp hội là tập hợp ủy thác quyền, cấp phép sử dụng, thu tiền thù lao và phân phối tiền thù lao.
Trước khi Hiệp hội Sao chép VN được thành lập, đã có ba tổ chức bảo vệ quyền tác giả là: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (thành lập năm 2002); Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (2003) và Trung tâm Quyền tác giả văn học VN (2004). Và mới nhất là Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN (2015). Tất cả đều cùng chung mục đích là bảo vệ quyền tác giả cùng các quyền lợi chính đáng khác của văn nghệ sĩ, sáng tác gia. Ông Hoàng Trọng Quang, nguyên Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB và tạp chí Y học, khi về hưu rất bức xúc với nạn sao chép vô tội vạ các công trình nghiên cứu, các tác phẩm tim óc của những sáng tác gia. Ông Quang bảo bởi quen với cách suy nghĩ thời bao cấp, người ta chỉ muốn xài chùa tác phẩm tim óc của người khác! Còn ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép VN, kể: Lúc ông còn làm cục trưởng Cục Xuất bản, khi đàm phán một hiệp ước song phương giữa Mỹ và VN, phía Mỹ đề nghị nếu họ phát hiện ra sách của Mỹ bị in lậu ở VN, chính phủ VN phải tịch thu sản phẩm và cả nhà máy in, ông không dám quyết. Bởi hơn ai hết, làm công tác quản lý xuất bản, ông biết khó mà thực thi điều khoản này khi mà nạn vi phạm bản quyền ở ta vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Sau đó ông Kiểm đã vận động thành lập Hiệp hội Quyền sao chép VN với sự hỗ trợ đắc lực của ông Hoàng Trọng Quang. Và ông Quang trở thành chủ tịch hiệp hội, ông Kiểm kiêm nhiệm chức phó chủ tịch bởi ông còn nhiều nhiệm vụ khác liên quantới xuất bản và bản quyền - tâm huyết một đời ông.