NỖI KHỔ HẬU NÂNG ĐƯỜNG CHỐNG NGẬP - BÀI 1

Ra vào nhà phải trèo, phải chui

LTS: Ngập tới đâu nâng đường tới đó dường như là giải pháp được các đơn vị chống ngập ưa thích trong thời gian qua. Cách làm này mang lại hiệu quả tức thì khi nhiều tuyến đường nhanh chóng thoát ngập. Nhưng mấy ai biết rằng để đánh đổi điều đó, cuộc sống của hàng chục ngàn người dân bị xáo trộn hoàn toàn…

TP.HCM đang vào mùa mưa, cũng là lúc người dân sống dọc những tuyến đường mới nâng cấp ở quận 6, Thủ Đức… phải chạy vạy vay tiền để hối hả xây sửa nhà nhằm thoát cảnh ngập úng. Những người không có tiền sửa nhà phải chấp nhận cuộc sống khổ sở trăm bề trong các căn nhà mà chẳng khác gì hầm.

Leo ra khỏi nhà, muốn ngất xỉu luôn

Đã hơn 70 tuổi, lại bị bệnh tim nên mỗi khi leo ra khỏi căn nhà nằm thấp hơn mặt đường gần 2 m (1009/1F Lò Gốm, phường 8, quận 6) là bà Lý Thị Ba lại thở dốc, muốn ngất xỉu. “Không có tiền nâng nhà nên khổ quá chú ơi. Khi có chuyện cần lắm tôi mới ra khỏi nhà, chứ leo trèo kiểu này chắc có ngày đứng tim, tắt thở luôn” - bà Ba mệt nhọc nói.

Theo bà Ba, hơn một năm trước tuyến đường Lò Gốm được nâng cao để chống ngập, thế là căn nhà nhỏ của bà vốn nằm ngang mặt đường bỗng dưng biến thành hầm. Vợ chồng bà phải lấy cánh cửa cũ làm thang để leo lên leo xuống mỗi khi muốn đi ra ngoài.

Cùng chung cảnh ngộ, gần cả năm nay bà Nguyễn Thị Tý (hơn 70 tuổi, sống trong căn nhà 1007/3 Lò Gốm, quận 6) hầu như không đi ra đường. “Từ khi đường nâng lên, nhà tôi thấp hơn mặt đường hơn 1 m. Muốn đi ra ngoài tôi phải đứng lên cái ghế nhựa, dùng tay bám vào mặt đường mới leo lên được. Tôi già yếu rồi, lỡ té thì nguy nên không dám ra đường nữa” - bà Tý giải thích.

Cách đó một đoạn, nhà của chị Trần Thị Thanh Thúy cũng thấp hơn mặt đường khoảng 1,5 m, vừa ẩm thấp vừa chật chội. Do mặt đường cao muốn bít luôn cửa chính nên ai ra vào căn nhà này cũng phải cúi lom khom. “Đây là nhà của gia đình chồng, tôi cũng mới về đây sống. Mới đầu không quen nên ra vào bị đụng đầu hoài. Ở khu này nhiều nhà khác cũng vậy, có nhà thấp quá, cứ đứng thẳng là đụng trần nên phải cúi thấp xuống, riết rồi khòm lưng luôn” - chị Thúy thở dài.

Trên đường Phạm Văn Chí, quận 6 cũng có hàng loạt căn nhà đột nhiên biến thành hang. Việc ra vào nhà đối với người dân chẳng khác cực hình. Vừa gọi hai đứa cháu ra giúp sức đưa xe máy vào nhà xong, ông Văn Tâm (nhà gần cầu Phạm Văn Chí) quay sang than thở với chúng tôi: “Sau khi đường nâng, tôi phải thường xuyên đưa xe đi gửi nhờ nhà người quen. Hôm nào không gửi được thì phải nhờ hai, ba người giúp mới đưa xe lên xuống được”.

Ông Tâm nói tiếp: “Chưa hết, hễ mưa xuống là cả nhà phải thay nhau tát nước lên đường. Chúng tôi phản ánh thì địa phương chỉ nói sẽ tạo điều kiện để dân ở đây làm giấy phép xây dựng nhanh. Nhưng dân ở đây phần đông là lao động nghèo, lấy tiền đâu mà sửa nhà hay xây mới. Như nhà tôi muốn nâng cao lên phải tốn cả tỉ đồng chứ đâu có ít!”.

Khó lý giải được đây là một căn nhà hay cái hầm. (Ảnh chụp trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức) Ảnh: T.THANH

Tuổi già, sức yếu nên mỗi khi trèo ra khỏi nhà, bà Ba muốn ngất xỉu. Ảnh: T.THANH

Nhà sâu thế này, làm sao dắt xe vô đây? Ảnh: T.THANH

Lấp bỏ, bán nhà đi nơi khác

Có một căn nhà trên đường Phạm Văn Đồng đoạn gần cầu Gò Dưa, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM thường xuyên biến thành hầm chứa nước mưa. Do nền nhà thấp hơn mặt đường khoảng 2 m nên hễ có mưa là nước chảy vào nhà như thác. Không chịu nổi cảnh nhếch nhác này, sau vài đợt mưa lớn vào giữa tháng 7, người chủ quyết định đổ cát, lấp bỏ tạm ngôi nhà này.

Thấy chúng tôi có vẻ tiếc khi chứng kiến căn nhà nằm ngay mặt tiền đường bị lấp bỏ, người thanh niên sống kế bên phân trần: “Đây cũng là nhà của gia đình tôi. Từ khi đường nâng lên, nước ngập hoài không ai ở được. Vì thế gia đình mới quyết định lấp tạm, bỏ đó khi nào có điều kiện thì sửa lại. Nếu không lấp thì nước tù đọng, dơ bẩn lắm”.

Cách đó một đoạn ngắn cũng có một căn nhà cũ thường xuyên bị ngập nước do nền nhà thấp hơn mặt đường khoảng 2 m. “Họ làm đường kiểu gì mà cao quá thể. Sau khi đường làm xong, nhà tôi tự dưng biến thành cái hầm chứa nước. Nhà này lúc trước đã nâng nền cao hơn đường cũ 1 m rồi, trần nhà thấp lắm, đi đã muốn đụng đầu rồi giờ sao nâng cao được nữa” - bà Trần Thị Thanh Thi, chủ nhà, rầu rĩ.

Do thường xuyên bị ngập nước nên căn nhà bà Thi vốn đã cũ lại càng nhanh xuống cấp, hư hỏng. Nhìn những vách tường chi chít vết nứt, mỗi khi trên đường có xe tải nặng chạy ngang qua, căn nhà lại rung lắc ầm ầm. “Giờ chỉ có cách đập nhà ra xây mới, nâng nền cao lên thì may ra mới hết ngập. Nhưng khổ nỗi gia đình tôi đang rất khó khăn, không có tiền xây nhà nên phải cắn răng mà chịu cảnh này chứ chưa biết tính sao” - bà Thi nói như mếu.

Khoảng từ tháng 6 đến nay, sau khi đường Tam Bình, quận Thủ Đức được nâng cao, khu vực này như biến thành đại công trường vì người dân phải chạy đua sửa nhà, nâng nền chống ngập. Thấy chúng tôi chụp ảnh căn nhà bỏ hoang, ngập nước, ông Trần Thiện, chủ căn nhà mới xây gần đó, nói như phân trần giúp cho hàng xóm: “Nhà này của ông Bảy, sau khi đường nâng cao, nhà hụt sâu khoảng 2 m nên nước không thoát được, ngập hoài. Ổng không có tiền sửa chữa nên mới bán gấp, chuyển đi nơi khác sống”.

Sau khi tuyến đường Lò Gốm, Phạm Văn Chí được nâng cấp, hàng loạt nhà dân ở quận 6 biến thành hầm sâu, cuộc sống bị đảo lộn. Mỗi khi mưa đổ xuống, phần thì người dân lo nước tràn từ đường vào bên trong nhà, phần thì lo nước bẩn từ ống cống nhà vệ sinh dội lên… khổ lắm.

Bà Thu Vân, tổ trưởng khu phố 3, phường 8, quận 6

_________________________________

Kỳ sau: Người nghèo đã khổ, người giàu cũng mếu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm